Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), nổi tiếng với chợ Nổi Ngã Năm, là nơi giao nhau của các tuyến giao thông thủy bộ kết nối với các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau, thuận lợi trong giao lưu kinh tế. Những ngày tháng 6 này, Đảng bộ và nhân dân thị xã Ngã Năm vui mừng tổ chức Lễ công nhận thị xã Ngã Năm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết yếu
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, Ngã Năm là địa bàn xa trung tâm tỉnh lỵ nhất của tỉnh Sóc Trăng. Trước đây, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của địa phương còn khó khăn. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là độc canh cây lúa. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ còn có quy mô nhỏ lẻ. Năm 2010, thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương trên 24% và thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 20,6 triệu đồng/người/năm. Thị xã chỉ có 1/5 xã đạt tiêu chí giao thông…
Từ xuất phát điểm thấp, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thị xã Ngã Năm đã xác định phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau 10 năm triển khai, thị xã đã huy động mọi nguồn lực được trên 2.140 tỷ đồng, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi.
Hiện thị xã đã có trên 86% các tuyến lộ giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. Giao thông nông thôn phát triển, gắn với xây dựng các trạm bơm điện, bơm dầu, khép kín các khu vực đê, bao, đảm bảo nước ngọt tưới tiêu cho trên 95% diện tích, bơm tát tập trung theo từng khu vực phục vụ sản xuất; duy trì và phát triển được 17 hợp tác xã và 176 tổ hợp tác (riêng trên địa bàn các xã có 9 hợp tác xã và 87 tổ hợp tác). Thị xã đã quy hoạch tập trung phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản ST24, ST25 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, trên 55% diện tích lúa sản xuất được ký kết, hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất...
Mạng lưới điện được địa phương quan tâm đầu tư phủ toàn thị xã, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Cơ sở vật chất văn hóa, y tế được đầu tư theo quy hoạch đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã, phường đều có trạm y tế, nhà văn hóa, hội trường, sân thể thao cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương, đến nay, thị xã có 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 - 4 sao được người tiêu dùng biết đến và quan tâm sử dụng như: trà mãng cầu Cẩm Thiều, gạo sữa An Cư... Trên 35 cơ sở được bảo hộ nhãn hiệu, 7 cơ sở được cấp chứng nhận hợp quy, chủ yếu là các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của thị xã như: trái mãng cầu, trà mãng cầu, mắm cá đồng, gạo đặc sản, chả cá...
Người dân đồng thuận hưởng ứng
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, nhận thức của người dân Ngã Năm về xây dựng nông thôn mới được nâng lên. Theo đó, người dân đồng thuận hưởng ứng xây dựng nông thôn mới và tích cực tham gia hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc... để xây dựng các công trình lộ giao thông nông thôn, thủy lợi, kéo điện, nước sạch; đặc biệt là tham gia đóng góp trong việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyện 72, 75. Nhờ đó, giúp chính quyền, địa phương tiết kiệm kinh phí giải phóng mặt bằng trên 13,2 tỉ đồng, để tái đầu tư các tuyến lộ khác bức xúc hơn. Đồng thời, thị xã tranh thủ vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện quyên góp đầu tư xây dựng các cầu, lộ nông thôn trên địa bàn các xã khó khăn như Tân Long, Vĩnh Quới, Mỹ Bình, Mỹ Quới...
Phát triển nông thôn mới gắn với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thị xã Ngã Năm đã xây dựng 1.019 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ 123 nhà ở cho hộ nghèo... Đồng thời, thị xã thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân... Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 47,22 triệu đồng/người/năm vào năm 2019 (tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,08%. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo trên 33%.
Ông Quách Văn Kha, người dân xã Vĩnh Quới cho biết: Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay, bộ mặt nông thôn địa phương có nhiều thay đổi, diện mạo khang trang, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện hơn trước.
Xây dựng Ngã Năm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu
Về thăm thị xã Ngã Năm những ngày này, đường liên xã, liên ấp khang trang, thông thoáng, tấp nập xe máy, ô tô. Tại thị xã, xuất hiện ngày càng nhiều những tuyến đường kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp; những căn nhà to mới đẹp, đường hoa lộng lẫy...
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, qua thực hiện xây dựng nông thôn mới, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc các xã, phường đã được khang trang. Đội ngũ cán bộ, công chức được củng cố, kiện toàn theo hướng đạt chuẩn về trình độ chính trị và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Phát huy thành tích đạt được, Ngã Năm đặt mục tiêu đến năm 2025, thị xã có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đánh giá về phong trào xây dựng nông thôn mới của thị xã Ngã Năm, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: Mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, Ngã Năm đã “đi sau về trước” trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên hoàn thành xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng mong muốn trong thời gian tới, Đảng bộ, nhân dân Ngã Năm tiếp tục phát huy thành tích, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, không được chủ quan, thỏa mãn; động viên mọi tầng lớp nhân dân góp sức, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, hướng đến mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai gần...