Đa dạng hình thức tuyên truyền
Lai Châu là tỉnh biên giới với 20 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84%. Nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới về công tác bảo vệ môi trường, cũng như xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp còn nhiều hạn chế. Từ đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu luôn xác định phải chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong tỉnh.
Hội Phụ nữ Lai Châu đã chủ động, tích cực phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân từng địa phương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền được Hội thực hiện thông qua nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, phát tờ rơi, vận động hội viên phụ nữ không xả rác bừa bãi ra môi trường, nơi công cộng...
Bà Khoàng Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu cho biết, toàn tỉnh hiện có 965 chi hội phụ nữ với hơn 70.00 hội viên. Hội đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” với các hoạt động bảo vệ môi trường như: tuyên truyền, vận động hội viên toàn tỉnh tự giác đăng ký tham gia thành lập trên 100 tổ, đội thu gom rác thải; thường xuyên tổ chức các buổi ra quân vệ sinh khu dân cư và giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm...
Tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Lai Châu, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Do vậy, công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường của Hội Phụ nữ gặp nhiều trở ngại. Công tác tuyên truyền để đồng bào hiểu và thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương và tích cực, duy trì tuyên truyền trong thời gian dài để giúp người dân thay đổi nhận thức. Hội Phụ nữ tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành địa phương thực hiện phương châm “Cầm tay chỉ việc”, “Ăn cùng dân ở cùng dân”, kiên trì tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống gọn gàng, ngăn nắp, hướng dẫn các hộ gia đình làm chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, không thả rông gia súc. Mưa dầm thấm lâu, đến nay, nhận thức của hội viên phụ nữ trong tỉnh ngày được nâng cao. Hội đã duy trì 150 mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, nổi bật như các mô hình: Con đường hoa, "3 sạch", Gắn biển nhà sạch vườn đẹp, Chủ nhật xanh, Nói không với rác thải nhựa… Từ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, khang trang và sạch sẽ.
Nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực
Từ các phong trào về bảo vệ môi trường, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã triển khai hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình thiết thực với những cách làm hay, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; từng bước khẳng định vai trò của phụ nữ trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Than Uyên (Lai Châu), hoạt động lắp đặt bể lọc cát sinh hoạt, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thu gom, biến rác thải làm gạch sinh thái của Hội Phụ nữ huyện đã góp phần chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng bản, làng xanh - sạch - đẹp.
Tới bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, nhiều người bất ngờ trước bức tường bao và ghế ngồi tại nhà văn hóa bản được xây dựng bằng gạch sinh thái do Hội Phụ nữ huyện Than Uyên lên ý tưởng. Gạch sinh thái là những lọ, chai nhựa và túi nylon đã qua sử dụng được các hội viên phụ nữ thu gom rồi tái chế để sử dụng. Việc làm này vừa góp phần hạn chế rác thải nhựa, vừa tạo cảnh quan mới lạ cho bản.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phúc Than, huyện Than Uyên Hoàng Thị Thủy cho hay: Toàn xã hiện có hơn 2.000 hội viên. Năm 2018, Hội bắt đầu vận động các hội viên thu gom rác thải nhựa, túi nylon tại gia đình và nơi công cộng để triển khai mô hình gạch sinh thái. Khi triển khai, hoạt động nhận được sự tham gia, hưởng ứng đông đảo của hội viên và người dân.
Hiện các câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường” của Hội thường xuyên tổ chức thu gom rác thải ở các tuyến đường nội bản, Quốc lộ 32. Nhiều hội viên còn chủ động vào các quán tạp hóa để “xin rác” gồm: túi nylon, vỏ chai nhựa về làm gạch. Đến nay, Hội đã xây dựng tường bao và ghế ngồi bằng gạch sinh thái tại 5/18 bản với hơn 18.000 viên gạch. Thời gian tới, Hội tiếp tục vận động các hội viên tích cực thu gom, phân loại rác thải để tận dụng làm gạch sinh thái, hướng đến xây dựng cảnh quan của 13 bản còn lại.
Tại bản Lun 1, xã Tà Mung, huyện Than Uyên, người dân trong bản đã dùng gần hơn chục nghìn viên gạch sinh thái và góp trên hàng trăm ngày công lao động để hoàn thành công trình tường bao dài 72 mét và cổng chào, ghế ngồi trong khuôn viên nhà văn hóa.
Chị Trương Thị Tiếp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường” bản Lun 1, xã Tà Mung phấn khởi nói: Từ đầu năm 2021, các hội viên trong câu lạc bộ và người dân của bản tích cực thu gom rác thải, túi nylon làm được hơn 8 nghìn viên gạch sinh thái để xây dựng khuôn viên nhà văn hóa. Nhờ làm gạch sinh thái, bản vừa tiết kiệm chi phí toàn bộ mua gạch đỏ, vừa tô điểm nhà văn hóa đẹp hơn. Việc làm này đã nâng cao nhận thức của bà con trong việc bảo vệ môi trường, tự phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.
Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Than Uyên Lương Thị Tý cho biết: Từ năm 2018, Hội Phụ nữ huyện phối hợp với Ban Quản lý Dự án CWS (Tổ chức phi chính phủ của Mỹ) tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông tại 5 xã là Mường Kim, Tà Mung, Phúc Than, Tà Hừa, Khoen On nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường cho hội viên, phụ nữ, người dân. Đặc biệt, Hội đã thành lập được 25 câu lạc bộ “Vệ sinh môi trường” tại 3 xã Tà Mung, Phúc Than, Mường Kim với trên 1.000 thành viên là hội viên phụ nữ tham gia.
Các câu lạc bộ có nhiệm vụ vận động các gia đình thu gom phân loại xử lý rác thải nhựa, túi nylon, vỏ bao bì thực vật; lắp đặt và sử dụng bể lọc cát sinh học đúng cách; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý nguồn phân gia súc, gia cầm. Đến nay, huyện Than Uyên có gần 60 câu lạc bộ vệ sinh môi trường với hơn 1.100 thành viên tham gia. Nhiệm kỳ qua, Hội đã hỗ trợ hội viên, phụ nữ làm hơn 1.800 nhà tiêu hợp vệ sinh, trên 500 bể lọc cát sinh học; đào hàng trăm hố rác, làm gần trăm nghìn viên gạch sinh thái...
Thời gian tới, Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu tiếp tục duy trì các câu lạc bộ vệ sinh môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, trong đó có mô hình làm gạch sinh thái tới các xã trên địa bàn và đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khẳng định vai trò của Hội Phụ nữ trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.