Xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương (Nghệ An) là một trong những địa phương bị ngập nặng trong đợt lũ lịch sử vừa qua, cả xã ngập sâu từ 1 - 1,5m, bị chia cắt hoàn toàn. Cùng với việc nhiều tài sản của người dân bị cuốn trôi, đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi, cầu cống phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp cũng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Đơn cử như hệ thống mương thủy lợi Đồng Lác nằm trên địa bàn xóm 2, dài 700 m, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của Chương trình 135, vừa hoàn thành năm 2019, sau lũ đã bị xóa sổ hoàn toàn. Nước lũ đã khiến hệ thống mương thủy lợi này bị sạt lở, từng mảng bê tông bị cắt thành từng khúc, cuốn trôi, nằm ngổn ngang dưới mặt ruộng. Sau hơn một tháng lũ đi qua, hệ thống kênh mương thủy lợi này vẫn chưa thể khắc phục để người dân yên tâm phát triển sản xuất, bởi chưa có nguồn vốn.
Theo thống kê, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn xã Thanh Tùng có 19 cầu cống bị sập, 700 m mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng (trong đó có 100 m bị trôi hoàn toàn); nhiều cầu, cống bị nứt; gần 10km đường liên xã và liên thôn bị sạt lở, xói lở. Sau lũ, cùng với việc đi lại khó khăn, điều người dân lo ngại nhất hiện nay là vụ Xuân đang đến gần, nếu hệ thống kênh mương thủy lợi không được khắc phục kịp thời, người dân không thể gieo cấy theo đúng thời vụ.
Ông Trần Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết, xã Thanh Tùng là một trong những xã miền núi, kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Trận lũ lịch sử vừa qua đã cuốn trôi, làm hư hư hỏng nhiều cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Dự kiến, nguồn vốn để khắc phục các công trình như mương thủy lợi, cầu cống, trạm bơm khoảng 1,9 tỷ đồng. Số tiền này vượt ra khỏi tầm của địa phương.
Theo ông Trọng, dự kiến lịch gieo cấy lúa vụ Xuân sẽ được triển khai trước Tết Nguyên đán 2021, do đó việc khắc phục hệ thống kênh mương thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất bức thiết. Chính quyền địa phương và người dân đều đang rất lo lắng khi vụ Xuân đang đến gần, song nguồn vốn để khắc phục sửa chữa các công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu bị hư hỏng vẫn chưa được bố trí.
Không chỉ xã Thanh Tùng, hiện nhiều địa phương tại huyện Thanh Chương cũng đang rơi vào cảnh tương tự. Theo thống kê, trong đợt lũ vừa qua, toàn huyện Thanh Chương có gần 10 km kênh mương thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng; 144 cầu cống bị cuốn trôi, 9 trạm bơm hư hỏng. Ngoài ra, còn có hơn 57 km đường giao thông bị sạt lở, với tổng khối lượng đất, đá sạt lở là trên 15.000 m3; trong đó, thiệt hại nặng nhất là các xã Thanh Nho, Thanh Hương, Thanh Tùng, Thanh Giang…
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Chương cho biết, sau khi nước lũ rút, phòng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, trực tiếp xuống các địa phương để đánh giá mức độ thiệt hại của các cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là các công trình kênh mương thủy lợi. Với các công trình hư hỏng nhẹ, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Chương đã chỉ đạo chính quyền các địa phương khắc phục mọi khó khăn, huy động nhân lục, vật lực khẩn trương khắc phục để sớm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các công trình hư hỏng nặng sẽ được lên danh sách để có phương án đề xuất nguồn vốn ưu tiên để khắc phục.
Theo dự kiến, vụ lúa Xuân sắp tới, huyện Thanh Chương sẽ gieo cấy trên diện tích 8.600 ha. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương, việc khắc phục các công trình kênh mương thủy lợi để phục vụ cho việc tưới, tiêu đang gặp nhiều khó khăn, do cần nguồn vốn lớn. Nếu các công trình này không được khắc phục kịp theo lịch gieo cấy lúa vụ Xuân, nhiều diện tích ruộng lúa tại các địa phương sẽ không thể gieo cấy do không có nguồn nước tưới, tiêu, ông Trần Phi Hùng cho biết thêm.
Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, hệ thống cơ sở hạ tầng của toàn huyện Thanh Chương thiệt hại trên 50 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống giao thông, cầu, đường, kênh mương thủy lợi nội đồng đã bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, phát triển sản xuất sau lũ. Sắp tới là sản xuất vụ Xuân, hệ thống kênh mương thủy lợi tưới, tiêu là rất quan trọng nhưng nay tại nhiều địa phương đã bị cuốn trôi và vẫn chưa thể khắc phục lại.
Hiện nay, nguồn vốn để khắc phục đối với huyện Thanh Chương và xã là rất khó khăn, cần nguồn vốn lớn. Do đó, huyện Thanh Chương mong muốn tỉnh Nghệ An và Trung ương có cơ chế hỗ trợ để khắc phục hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, kênh mương thủy lợi để phục vụ sản xuất, ổn định đời sống và nhu cầu dân sinh của người dân.