Ngoài nguyên nhân khách quan, việc chọn thời điểm thực hiện trồng mới rừng ngập mặn cũng như vị trí trồng rừng trên cát có nền đất thấp trũng là những bất cập dẫn đến tình trạng trên.
Điền Hải là xã ven biển của huyện Phong Điền có những cồn cát lớn trải dài về phía bờ biển. Dự án trồng rừng trên cát do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư được thực hiện từ năm 2016 tại tiểu khu 7 đất rừng sản xuất của xã Điền Hải.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hợp đồng trọn gói với Hợp tác xã Nông nghiệp Điền Hải trồng và chăm sóc rừng tràm keo với diện tích 19,8 ha trong giai đoạn 2016 – 2021. Tuy nhiên, đợt mưa lũ cuối năm 2020 đã tạo thành những bầu nước lớn có diện tích rộng khoảng 8 ha, với độ sâu gần 2m nhấn chìm và làm chết toàn bộ diện tích rừng tràm keo 3-4 năm tuổi tại khu vực này.
Theo ông Hồ Đăng Vinh, cán bộ nông nghiệp xã Điền Hải cho biết, mấy năm trở lại đây khu vực này không có nước nên các bên tham gia dự án đã đưa vào quy hoạch trồng rừng. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn của năm 2020 cộng với nền đất thấp trũng đã dẫn đến việc hình thành những bầu nước gây mất rừng như hiện nay. Qua đó cho thấy, quá trình khảo sát vị trí để đưa vào quy hoạch trồng rừng chưa được thực hiện kỹ lưỡng, không lường trước được những biến đổi của tình hình thời tiết ngày càng phức tạp.
Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Điền Hải Hoàng Văn Sanh cho biết, còn khoảng 1 năm nữa, dự án trồng rừng trên cát mới tổng kết nghiệm thu. Phía hợp tác xã đã thông báo về thực trạng diện tích rừng trồng bị chết do ngập nước lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế và đang chờ hướng xử lý. Khó khăn nhất hiện nay là xã Điền Hải không còn quỹ đất để trồng rừng bù vào diện tích bị ngập lụt trên.
Tại khu vực cửa sông Ô Lâu ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền cũng quy hoạch 16,3 ha trồng rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Thót và Cồn Cửa. Tuy nhiên, hiện nay gần như toàn bộ 9 ha diện tích trồng rừng ngập mặn đầu tiên tại đây đã bị chết do cây trồng sát ngay mùa mưa lũ, chưa kịp sinh trưởng và phát triển để thích nghi trong điều kiện nước ngập sâu dài ngày. Mực nước trong khu vực trồng rừng ngập mặn lúc cao nhất từ 3-4m, trong khi chiều cao của cây dừa nước và cây đước tại đây khoảng hơn 1m.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đây là diện tích trồng rừng thuộc Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên – Huế từ nguồn ngân sách Nhà nước. Phía đơn vị nhà thầu bắt đầu trồng rừng từ đầu tháng 10/2020 sau đó gặp những trận lũ lụt lịch sử liên tiếp đã nhấn chìm diện tích trồng một thời gian dài, trong khi sức chịu đựng ngập nước của hai loại cây trên tối đa là 20 ngày.
Theo ông Văn Công Phúc, cán bộ địa chính xã Điền Hòa, việc lựa chọn thời điểm trồng rừng tại đây chưa phù hợp bởi cận kề với mùa mưa lũ, mặc dù phía dự án đã tích cực triển khai bơm nước để cứu cây nhưng không mang lại kết quả. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xã thực hiện trồng rừng ngập mặn nhưng phía dự án đã không tham vấn ý kiến của chính quyền địa phương để hiểu rõ hơn về điều kiện thủy văn, thời tiết ở khu vực cửa sông Ô Lâu.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế Phạm Ngọc Dũng cho rằng, hiện nay, đơn vị chưa tiến hành nghiệm thu diện tích rừng ngập mặn trồng ở xã Điền Hòa nên khi nước rút phía nhà thầu sẽ phải triển khai trồng lại.
Trước những biến đổi ngày càng phức tạp của thời tiết khí hậu, thời gian tới, phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ phối hợp với các ngành chức năng để tính toán, khảo sát kỹ hơn các địa điểm để triển khai các dự án trồng rừng nhằm hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra.