Ninh Thuận là vùng đất cuối của dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi vươn ra Biển Đông, có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam; được bao bọc bởi 3 mặt núi với 3 dạng địa hình gồm: Núi chiếm 63,2%; đồi gò bán sơn địa chiếm 14,4% và đồng bằng ven biển chiếm 22,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Địa phương có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 9 - 11, mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau. Lượng mưa trung bình từ 700 - 800 mm/năm ở vùng đồng bằng và tăng dần theo độ cao ở vùng núi.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận, là địa phương có lượng mưa trung bình ít so với cả nước, nhưng mỗi khi đến mùa mưa bão thường hay xảy ra tình trạng xói lở ở vùng núi và ngập lụt cục bộ ở vùng đồng bằng, nhất là vùng trũng thấp. Do vậy, để ứng phó với diễn biến của thiên tai, tỉnh luôn quán triệt thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống, sự cố có thể xảy ra. Tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn kịp thời đến cộng đồng dân cư về các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai.
Ninh Thuận xác định rõ những khu vực, địa bàn trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ khi lũ, bão xảy ra gây ngập lụt ở vùng đồng bằng, vùng trũng thấp; lũ ống, lũ quét gây sạt lở ở vùng núi, tuyến đê, kè ven biển, tỉnh lộ, đường giao thông liên xã…; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ứng phó hiệu quả, kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để ứng phó với thiên tai, tỉnh tiếp tục rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đủ số lượng, có năng lực trong điều hành, chỉ huy; đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể.
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp xem đây là trách nhiệm cần thực hiện kịp thời; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Các địa phương kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng; có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời; đồng thời tích cực bảo vệ các mục tiêu quan trọng, giúp dân giải quyết hậu quả sau thiên tai.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, kênh rạch, ven biển nhằm khắc phục tình trạng lấn chiếm dòng chảy, tăng nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở. UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn; rà soát quy hoạch, chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, giảm thiểu tác động của thiên tai; cập nhật, bổ sung và hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn quản lý. Các địa phương chủ động chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đầy đủ, sẵn sàng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.