Trước thực tế này, Ninh Thuận đang khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, giới thiệu việc làm cho người lao động để góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Người lao động xoay sở tìm việc làm
Do tác động của dịch COVID-19, các công ty, cơ sở sản xuất ở các tỉnh phía Nam cắt giảm đơn hàng, ngừng sản xuất, nhiều công nhân không có việc làm nên trở về quê. Gia đình anh Đàng Sinh ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cũng không ngoại lệ.
Anh Sinh cho biết, hai vợ chồng làm việc cho Công ty sản xuất giày da tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Dịch bệnh xảy ra khiến Công ty phải tạm ngưng sản xuất, gần 4 tháng thất nghiệp không có thu nhập, đời sống rất khó khăn nên anh quyết định chở vợ cùng hai con nhỏ về quê vào đầu tháng 10 vừa qua.
Khi hết thời gian cách ly y tế, đến nay, hai vợ chồng anh Sinh vẫn chưa tìm được việc làm mới ở quê. Anh Sinh chia sẻ: “Hai vợ chồng làm công nhân đã quen, thu nhập tuy không cao nhưng thường xuyên, ở quê tìm được việc làm đúng với nghề của mình rất khó. Vừa qua, đại diện Công ty gọi điện thông báo đi làm, hai vợ chồng bàn bạc với nhau sắp xếp công việc ở nhà xong xuôi rồi cuối tháng 10 vào Đồng Nai làm lại”.
Dịch COVID-19 khiến nhiều lao động chuyển hướng về quê tìm việc làm, anh Nguyễn Văn Hữu (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) cho biết, gần chục năm làm thợ cơ khí cho xưởng gia công sắt thép ở Bình Dương, về quê tránh dịch đợt này anh đã tìm hiểu nhu cầu thị trường và quyết tâm ở lại làm việc. Trước mắt, anh Hữu phụ gia đình chăm sóc vườn táo, chăn nuôi bò để có thêm thu nhập trang trải vào dịp Tết Nguyên đán tới đây. Sau Tết, anh sẽ mở một cơ sở gia công sắt thép ngay tại nhà để làm kế sinh nhai.
Ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, từ ngày 2-19/10, huyện đón 2.732 công dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về quê. UBND huyện yêu cầu các lực lượng tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch tổ chức tiếp đón chu đáo, tích cực động viên khi người dân trở về địa phương. Trong thời gian cách ly, UBND huyện tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ về y tế, lương thực, thực phẩm cần thiết để những người con xa xứ vơi bớt khó khăn. Đến nay còn 261 người đang cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly của huyện.
Đối với số người đã hoàn thành cách ly, UBND huyện Ninh Phước chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các đoàn thể khẩn trương rà soát, nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động tại địa phương, xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội việc làm. Đối với người dân có nguyện vọng đi làm trở lại tại các tỉnh phía Nam, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, song phải đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, chống dịch.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, có trên 17.330 công dân của địa phương từ các tỉnh, thành phía Nam trở về quê. Với số lượng lớn người dân về quê, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết việc làm đang được tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh Ninh Thuận giao ngành Lao động phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách của Chính phủ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Để người lao động ổn định cuộc sống
Để giải quyết khó khăn cho người lao động trong bối cảnh dịch, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các ngành, đơn vị tập trung hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trong việc hoàn thiện thủ tục, giấy tờ để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Cùng với đó là tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giúp người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận gói hỗ trợ nhanh nhất, giảm bớt khó khăn để thực hiện mục tiêu duy trì, phục hồi sản xuất và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh giao Cục thuế tỉnh tiếp tục rà soát, hướng dẫn đến từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có điều kiện phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Ngành Y tế tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Các địa phương đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn, người lao động đã về quê nay trở lại doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp người họ có điều kiện bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác nhận, làm thủ tục để người lao động có nhu cầu trở lại làm việc cho doanh nghiệp, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, đối với những người đã về quê và được tỉnh tiếp nhận, hiện các địa phương đang khẩn trương rà soát số lượng thanh niên, người già, trẻ em…. từ đó nắm nguyện vọng của người lao động để xây dựng chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm tại công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Trong trường hợp các địa phương kiểm soát được dịch bệnh, nếu người dân muốn quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để làm việc, tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa.
Hiện nay, để tạo thuận lợi cho việc kết nối việc làm, ngành Lao động đang phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận triển khai chương trình “ATM việc làm” miễn phí nhằm giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đăng ký tìm được việc làm phù hợp. Định kỳ hàng tuần, tại trụ sở Hội Doanh nhân trẻ (số 34, đường 16/4, phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) tổ chức các buổi gặp gỡ theo nhóm ngành nghề giữa doanh nghiệp và người lao động để trao đổi, thống nhất ký kết hợp đồng lao động.
Đến nay, chương trình đã tiếp nhận thông tin của trên 1.200 người đăng ký tìm việc ở các vị trí khác nhau; thu hút hơn 20 doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh đăng ký, tuyển dụng trên 100 lao động làm việc ở các ngành, nghề gồm: Giáo viên, kế toán, vận tải, xây dựng, công nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy hải sản, dịch vụ chăm sóc khách hàng và một số ngành nghề khác.
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là kết thúc năm 2021, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, người lao động, các doanh nghiệp cần phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch để thích ứng an toàn, linh hoạt, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động trên địa bàn.