Do bị ngập lụt và ngâm trong nước lâu ngày nên nhiều diện tích lúa Đông-Xuân của bà con bị hư hại nặng. Các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp ứng cứu, tuy nhiên tỷ lệ lúa chết vẫn rất lớn. Nhiều hộ dân lo lắng nguy cơ về một vụ mùa trắng tay đang hiện hữu.
Nhiều năm nay, nguồn lương thực và thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Văn Thông ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chủ yếu trông chờ vào hơn 2 ha ruộng gieo cấy lúa. Vụ lúa Đông-Xuân 2021-2022, gia đình ông Thông đã đầu tư hơn 40 triệu đồng các chi phí về giống, phân bón, thủy lợi, nhân công …với hy vọng có vụ mùa thắng lợi. Tuy nhiên, trận mưa lũ bất thường cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua đã nhấn chìm toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông và gây thiệt hại nặng nề.
Nhìn ruộng lúa chết rũ và trơ trọi những lớp bùn, ông Nguyễn Văn Thông trầm ngâm nói: "Vụ lúa Đông -Xuân được xem là vụ lúa chính nên gia đình dồn công sức, vốn liếng để tập trung sản xuất. Nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 2 tháng nữa là cho thu hoạch. Vậy mà trận lũ trái mùa đã khiến chúng tôi mất trắng. Bây giờ thì không thể gieo cấy lại nữa vì thời gian không cho phép, chi phí lớn…"
Cũng như gia đình ông Nguyễn Văn Thông, hơn 5,5 ha diện tích sản xuất lúa - cá của ông Nguyễn Văn Lanh góp chung cùng với người thân cũng chịu ảnh hưởng của trận mưa lũ trái mùa vừa qua.
Ông Lanh cho biết: "Mưa to, phần đê do bà con đắp không thể ngăn được dòng nước lũ và thuỷ triều dâng cao, tràn vào các ruộng lúa, bà con trở tay không kịp. Với vụ lúa - cá này, riêng về cá giống và thức ăn cho cá gia đình tôi đã mất hơn 50 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. Nguồn thu nhập trông cả vào đây, giờ thì không còn gì nữa! Không chỉ chúng tôi mà nhiều bà con ở đây cũng bị thiệt hại về lúa, rau màu… Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng hỗ trợ giúp đỡ phần nào đó để bà con khắc phục thiệt hại, yên tâm sản xuất."
Hồng Thủy là xã chịu thiệt hại nặng nhất của huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) sau đợt mưa lũ trái mùa vừa qua với khoảng 60ha hoa màu, gần 620 ha/823 ha lúa Đông - Xuân bị ngập lụt; trong đó có hơn 250 ha lúa và khoảng 100 ha lúa - cá bị hư hỏng hoàn toàn. Mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã tích cực cứu úng và chăm sóc lúa nhưng tỷ lệ lúa bị thối mục thân rễ và chết rũ lớn nên không có khả năng hồi phục, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất cây trồng và đời sống của người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) ông Nguyễn Anh Ngọc cho biết, nhiều hộ đầu tư khá lớn cho vụ Đông - Xuân, từ chi phí vật tư, phân bón đến công thuê gieo cấy, máy móc… Cùng với giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao nên sau trận lụt bà con không đủ điều kiện để tái sản xuất vụ này. Thu nhập của người dân phụ thuộc chủ yếu vào cây lúa nên hiện bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Làm việc với chính quyền địa phương, người dân cũng đề xuất các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ kịp thời về kinh phí, giống, vật tư nông nghiệp; có phương án đầu tư xây dựng các tuyến đê bao kiên cố…nhất là ở khu vực thấp trũng để bảo vệ mùa màng khi mưa lũ xảy ra.
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình, sau trận lũ trái mùa, đến này toàn tỉnh có trên 900 ha diện tích lúa bị ngập úng và hư hỏng nặng; trong đó, tập trung chủ yếu ở địa bàn 2 huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh. Ngành nông nghiệp Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát, có phương án khắc phục phù hợp đối với từng diện tích lúa bị ảnh hưởng. Mặt khác động viên bà con tăng cường chăm sóc, bổ sung phân bón trên các ruộng lúa có khả năng hồi phục để cải tạo năng suất cuối vụ; đồng thời có phương án hỗ trợ giúp người dân sớm ổn định cuộc sống…
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi rà soát cụ thể, đối với các diện tích luá có khả năng tái sinh thì sẽ tiến hành cắt ngang gốc và tập trung chăm bón để tiếp tục làm vụ lúa tái sinh. Còn đối với các diện tích lúa bị hư hỏng hoàn toàn không thể khắc phục thì sẽ có nghiên cứu thời vụ và giống phù hợp để gieo lại trong vụ Hè - Thu để đảm bảo lương thực cho người dân. Nếu người dân có nhu cầu thì ngành nông nghiệp cũng sẽ hỗ trợ bà con trong việc thả các giống thuỷ sản ngắn ngày để kịp thu hoạch trước mùa mưa lũ.
Địa phương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm các giải pháp căn cơ, lâu dài như nâng cao một số tuyến đê bao, sửa chữa một số cống tiêu thoát úng. Cùng với nghiên cứu một số giải pháp để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý trong vùng nguy cơ ngập lụt, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.
Trên những diện tích lúa vụ Đông-Xuân tại các địa phương trong toàn tỉnh, hiện ngành nông nghiệp Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn nông dân tích cực, chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhằm đảm bảo vụ lúa đạt năng suất và kế hoạch.