Bình Định: Khẩn trương hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà cửa sau lũ lụt

Trong đợt mưa lũ kép dài từ ngày 27-30/11, toàn tỉnh Bình Định đã có 20 ngôi nhà bị sập. Trong đó, huyện Tuy Phước chịu thiệt hại nặng nhất với 13 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Sau mưa lũ, người dân tập trung xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Châu, ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước bắt đầu dọn dẹp, xây dựng lại nhà cửa. 

Do mưa lũ, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Châu, ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) bị sập vào ngày 30/11. Hiện nay, ông Châu tiến hành dọn dẹp, xây dựng mới lại nhà với kinh phí dự kiến 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sinh sống chủ yếu bằng nghề đi biển, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhà lại sập bất ngờ, gia đình ông Châu chỉ biết vay mượn tạm của người thân để xây lại nhà. Trước mắt, ông Châu phải ở nhờ nhà hàng xóm để lo công việc xây nhà mới.

Ông Châu cho biết, hiện tại mọi vật dụng của của gia đình ông phải cất tạm ngoài trời, việc ăn ở, sinh hoạt phải nhờ nhà hàng xóm. Vật liệu xây dựng nhà chưa biết nguồn tiền đâu để trả.

Xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) được xem là rốn lũ của huyện Tuy Phước. Toàn xã có trên 3.000 nóc nhà, đợt lũ lụt cuối tháng 11 vừa qua làm hơn 90% nóc nhà bị ngập, có nơi ngập sâu gần 2m. Ngoài bị ngập, những ngôi nhà ở đây còn chịu sức ép của sóng nước đập vào. Đây là nguyên nhân khiến cho 4 ngôi nhà bị sập trong đợt lũ lụt vừa qua. Trước đó, mưa lụt làm cho 2 ngôi nhà khác bị sập hoàn toàn.

Ông Đoàn Văn Tám, thôn An Lợi, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) cho biết, nhà bị sập khiến gia đình rất khó khăn, vợ con ông phải ở tạm nhà hàng xóm và người thân, còn ông ở lại căn nhà bếp chật chội. Ông Tám dự định sẽ xây dựng lại căn nhà mới giá trị 200 triệu đồng nhưng hiện ông chỉ có khoảng 30 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), xã Phước Thắng là vùng trũng thấp nên năm nào xảy ra thiên tai đều bị sập nhà cửa. Nguyên nhân là do nước lũ từ thượng nguồn sông Kôn đổ về quá nhanh, cùng triều cường ở đầm Thị Nại làm sóng nước va đập vào nhà cửa.

Chú thích ảnh
Ông Đoàn Văn Tám dự định xây dựng căn nhà mới khoảng 300 triệu đồng, nhưng ông mới chỉ có 50 triệu đồng, còn lại sẽ vay mượn người thân.

Sau khi lũ rút, địa phương đã tiến hành khảo sát, kiểm tra, vận động gia đình xây dựng lại nhà mới. Địa phương huy động lực lượng đến hỗ trợ người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết, địa phương đang tập trung nhân lực khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó, khẩn trương hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà cửa để ổn định cuộc sống. Huyện đã báo cáo UBND tỉnh để có cơ chế hỗ trợ người dân người dân tiền xây dựng lại nhà. Ngoài ra, các ngành chức năng đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ nhân lực để giúp người dân một số phần việc.

Những trường hợp có nhà bị sập hầu hết thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn. Tuy nhiên, sau lũ lụt, người dân vượt qua gian khó, chủ động xây dựng lại nhà cửa. Ghi nhận trong những ngày qua, các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, động viên bà con ổn định cuộc sống.

Tin, ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Lũ lụt gây sụt cầu, cô lập nhiều khu dân cư tại Bình Định
Lũ lụt gây sụt cầu, cô lập nhiều khu dân cư tại Bình Định

Sáng 2/12, tại Bình Định mưa đã giảm, nước lũ trên các sông rút chậm. Tuy nhiên, tại huyện Tuy Phước, nước trên sông Kôn vẫn duy trì ở mức cao, tiếp tục gây ngập lụt nhiều tuyến đường, giao thông chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN