Năng suất nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thu hoạch đạt từ 50 - 70 tấn/ha, lợi nhuận cao gấp 7 – 10 lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh bình thường.
Ông Phan Văn Hận, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, với diện tích 3.200m2, mật độ thả tôm giống 178 con/m2. Ông Hận cho biết, nuôi tôm theo phương pháp hiện đại này tính hiệu quả bền vững. Nhờ quy trình kỹ thuật bố trí ao nuôi có lót bạt đáy và thành ao, có nhà lưới bao che, lắp đặt hệ thống phao, ôxy đáy. Trong quá trình nuôi, việc cho tôm ăn hoàn toàn bằng máy tự động để tôm ăn liên tục, hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao.
Ao nuôi tôm được sử dụng quạt nước 24/24 giờ để đảm bảo lượng ô-xy trong nước, giúp tôm khỏe và ăn mạnh hơn. Định kỳ 5 ngày phải cấy vi sinh một lần và 3 ngày đến 4 ngày phải hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao nhằm làm sạch môi trường. Với phương cách này, tôm phát triển đồng đều, tăng năng suất vượt trội so với nuôi tôm thâm canh trong ao đất.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang, mùa vụ nuôi tôm vùng nước mặn, lợ năm nay, nông dân trong tỉnh đã mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao gần 1.840 ha, với lượng tôm giống thả nuôi trên 2,27 tỷ con giống, tăng gần 2 lần so cùng kỳ. Ngành nông nghiệp tỉnh luôn hỗ trợ, khuyến khích nông dân có điều kiện về đất đai, nguồn vốn nên đầu tư chuyển đổi thực hiện mô hình này để hạn chế rủi ro và đảm bảo tăng thu nhập kinh tế.
Kế hoạch của tỉnh trong năm 2024, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 192.000 tấn; trong đó sản lượng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt hơn 97.000 tấn, tăng 7.000 tấn so năm 2023. Tổng giá trị toàn ngành thủy sản đạt 12.700 tỉ đồng, tăng 850 tỉ đồng so năm 2023.
Đến nay, diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng đạt hơn 31.245 ha, sản lượng tôm nuôi đã thu hoạch hơn 75.000 tấn; trong này sản lượng tôm thẻ chân trắng thu hoạch hơn 66.500 tấn đạt gần 80% kế hoạch năm.