Niềm vui trong ngôi nhà mới
Do ảnh hưởng của bão số 3, huyện Trạm Tấu có 94 ngôi nhà bị ảnh hưởng, người dân phải di dời đến nơi ở mới. Cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân nhanh chóng dựng lại nhà. Đến nay, các hộ gia đình đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, người dân sẽ có nhà mới.
Mưa lớn kéo dài, bị sạt ta luy nên căn nhà của gia đình anh Hà Văn Tuấn (thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu) bị ảnh hưởng nặng nề, cả nhà phải di dời đến nơi ở mới. Được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ 100 triệu đồng, sau gần 2 tháng khởi công, căn nhà mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Anh Hà Văn Tuấn rất xúc động bởi Tết năm nay, gia đình sẽ có nhà mới để ở. Anh cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ giúp gia đình anh ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế.
Mưa lũ vừa qua, xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) có 11 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở; trong đó có 8 gia đình phải di dời khẩn cấp. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các gia đình di dời đến nơi ở mới an toàn. Đồng thời, xã động viên, thăm hỏi, tận dụng nguồn lực của Nhà nước và nhà hảo tâm hỗ trợ người dân nhanh chóng dựng lại nhà đảm bảo tiêu chuẩn 3 cứng và có đầy đủ công trình phụ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và duy trì các tiêu chí nông thôn mới.
Ông Lò Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết, cấp ủy chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng gia đình tuyên truyền, vận động người dân đến nơi ở an toàn. Đối với một số hộ bị thiếu đất ở, xã đã vận động anh em trong dòng họ hiến đất. Đến nay đã có 8 gia đình dựng xong nhà ở, đang hoàn thiện các công trình phụ. Phấn đấu đến ngày 30/11, tất cả hộ di dời sẽ hoàn thành việc xây dựng nhà ở.
Tương tự, xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu) có 2 gia đình phải di dời khẩn cấp. Xã đã tập trung tuyên truyền 2 hộ dân này cùng với địa phương tìm quỹ đất an toàn để bố trí địa điểm làm nhà mới; đồng thời, huy động các nguồn lực vận chuyển vật liệu, đóng góp ngày công để khởi công, sớm hoàn thành nhà cho các gia đình.
Anh Tráng A Câu (thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ) phấn khởi chia sẻ, được cấp ủy, chính quyền quan tâm, gia đình anh được bố trí nơi ở mới đảm bảo an toàn. Anh cảm ơn cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp đỡ gia đình dựng được căn nhà mới này.
Xác định việc bố trí nơi ở an toàn cho người dân bị ảnh hưởng về nhà ở là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Trạm Tấu đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, thống kê, phân loại mức độ ảnh hưởng đối với các nhà bị thiệt hại. Từ đó, lên phương án bố trí tái định cư cho các hộ phải di dời khẩn cấp. Ông Bùi Hồng Anh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu cho hay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện đã hoàn thành trên 60 căn nhà giúp người dân ổn định cuộc sống. Đối với các nhà còn lại, huyện đang chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ. Phấn đấu trước Tết Nguyên đán, người dân sẽ có nhà ở, yên tâm vui Xuân đón Tết.
Sớm hoàn thiện khu tái định cư
Do mưa lũ, nhà cửa của hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Yên Bái bị cuốn trôi, vùi lấp và có nguy cơ sạt lở cao. Theo thống kê thiệt hại về nhà ở tại Yên Bái do bão số 3 gây ra, toàn tỉnh có hơn 27.300 nhà dân bị thiệt hại; trong đó 326 nhà sập đổ hoàn toàn, 973 nhà hư hỏng nặng, hàng nghìn hộ dân chưa thể về nhà do nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Sau gần 2 tháng, phần lớn số hộ dân có nhà bị hư hỏng nhẹ đã được khắc phục xong và trở về sinh sống. Tuy nhiên, ở tỉnh vẫn còn hàng nghìn gia đình chưa thể về nhà. Các hộ này đều mong muốn có nơi ở mới an toàn, thuận tiện.
Trong đó, thành phố Yên Bái là địa phương bị thiệt hại nặng nề. Thành phố có gần 500 điểm sạt lở với trên 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, 69 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; 124 nhà bị hư hỏng nặng; 13 nhà phải di dời khẩn cấp và trên 1 nghìn nhà bị thiệt hại một phần.
Tại ngõ 875, đường Yên Ninh (thuộc Tổ 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái), cuộc sống của 5 hộ dân bị xáo trộn bởi nguy cơ sạt lở đất. Hầu hết các hộ phải đi ở nhờ hoặc thuê nhà ở nơi khác. Gia đình anh Trần Xuân Định phải đi thuê nhà hơn 2 tháng nay. Thỉnh thoảng, anh mới về nhà thu dọn đồ đạc. Do không thể khắc phục được chỗ ở, gia đình anh Định và 4 hộ khác được chấp thuận cấp đất tái định cư ở thôn Tiền Phong (xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái). Các gia đình này mong muốn, Nhà nước hỗ trợ bồi thường phần diện tích đất ở và các công trình kiến trúc trên đất.
Phường Minh Tân có gần 1.000 hộ dân bị ngập úng, 69 điểm sạt lở đất do cơn bão số 3. Trong đó có 357 gia đình bị ảnh hưởng sạt lở đất. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động các hộ di dời đến nơi an toàn, phường Minh Tân còn tạo điều kiện tối đa cho trên 200 gia đình có nhu cầu được san gạt bạt mái ta luy. Địa phương đã hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ xong cho 34 hộ bị thiệt hại về nhà ở. Đối với các gia đình có nguyện vọng tái định cư, phường đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố rà soát, kiểm tra thực địa để thống nhất phương án.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, thành phố Yên Bái đã có các giải pháp linh hoạt để giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Địa phương đã huy động các lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân. Nhờ đó đến nay, toàn thành phố có trên 400 điểm sạt lở được các hộ dân khắc phục xong, các điểm sạt lở còn lại tiếp tục được khắc phục. Theo ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái, cùng với việc giúp đỡ, hướng dẫn các hộ khắc phục thiệt hại, UBND thành phố đã ban hànhvăn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trợ giúp xã hội đối với hộ dân bị ảnh hưởng của bão. Đến nay, đã giải ngân gần 7,9 tỷ đồng, giúp các gia đình bị ảnh hưởng về nhà ở. Đối với các hộ phải di dời khẩn cấp chỗ ở, UBND thành phố đã phê duyệt danh sách 13 gia đình bố trí quỹ đất tái định cư tại thôn Tiền Phong, xã Giới Phiên.
Cùng với việc chăm lo chỗ ở ổn định cho nhân dân vùng thiên tai, thành phố Yên Bái còn quan tâm tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại về người; vận động nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ, thăm hỏi cho các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Trước mắt, tỉnh ưu tiên bố trí chỗ ở xen ghép, chỗ ở tạm thời cho những hộ bị mất nhà cửa. Về lâu dài, địa phương sẽ rà soát, lựa chọn vị trí an toàn, thuận tiện để thiết kế, xây dựng khu tái định cư cho người dân, giúp mọi người yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.