Ước tính, tổng diện tích nuôi thủy sản ở các huyện, thị đầu nguồn đã mở rộng lên trên 2.100 ha cùng hàng trăm bè nuôi thủy sản trên sông Tiền. Tính đến đầu tháng 10/2023, toàn vùng thu hoạch đạt sản lượng khoảng 65.000 tấn thủy sản ngọt các loại.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp vả Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thực hiện Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang”, trong năm 2023, các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền đã chuyển gần 300 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ươm và sản xuất cá giống.
Tại đây, đã hình thành những vùng chuyên sản xuất và cung ứng con giống đáp ứng hậu cần nghề nuôi cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ như: vùng sản xuất cá giống ở Tân Hội (thị xã Cai Lậy), vùng sản xuất theo mô hình cá - lúa ở xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), vùng chuyên sản xuất cá cảnh ở Mỹ Hội (Cái Bè) và các xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy)…
Nhằm giúp nông dân nắm vững kỹ thuật, đưa và nhân rộng nhiều mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị xã Cai Lậy đã xây dựng mô hình “nuôi ếch an toàn sinh học” qui mô 8.000 con tại 2 hộ nuôi thủy sản ở xã Tân Phú và mô hình “nuôi lươn trong bể an toàn sinh học” tại 5 hộ dân ở 4 xã: Tân Phú, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Thanh Hòa; phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt với những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế tại những địa bàn thuần nông.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Lạc, trong 9 tháng năm 2023, đơn vị đã tổ chức 113 cuộc tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản nói chung thu hút gần 3.100 lượt nông dân tham dự. Đồng thời, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cai Lậy còn triển khai mô hình “nuôi cá trê vàng trong ao đất” tại xã Mỹ Thành Bắc, trên diện tích nuôi 1.000 m2 và qui mô 30.000 con cá giống; mô hình “nuôi cá chạch lấu an toàn sinh học trong vèo” tại xã Thạnh Lộc với qui mô 250 m2, 3.000 con cá giống.
Với sự khuyến khích, tích cực chuyển giao kỹ thuật của ngành chức năng, nhiều nông dân đi tiên phong, đúc kết kinh nghiệm, có những cách làm hay và lập nghiệp thành công từ nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Mô hình nuôi của bà con có sức lan tỏa rộng khắp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn. Điển hình như ông Nguyễn Văn Trước, cư ngụ tại xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè đã mở rộng diện tích gần 30 ha mặt nước chuyên sản xuất và cung ứng các loại giống thủy sản nước ngọt như cá tra, cá mè, cá chép, các loại cá cảnh… Trung bình, mỗi năm ông cung ứng cho thị trường từ 25 đến 30 tấn cá giống các loại, thu lãi hàng tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Long (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) nổi tiếng với mô hinh nuôi rắn ri voi trong bể xi măng. Trên thừa đất chỉ rộng khoảng 500 m2, ông xây 3 hồ nuôi, mỗi hồ dài khoảng 2 m và rộng 1 m, diện tích 2 m2/hồ. Trong hệ thống hồ, ông thả nuôi được chừng 300 con rắn ri voi bố mẹ. Mỗi năm, gia đình ông Trần Thanh Long cung ứng hàng ngàn con giống cho nhu cầu nuôi rắn ri voi trong ngoài tình, thu hàng trăm triệu đồng. Ông Hà Văn Lợi (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) chuyển đổi 2.500 m2 đất trồng lúa sang nuôi và cung ứng cá cảnh cho biết, nghề sản xuất cá cảnh tương đối nhàn nhã, tạo công ăn việc làm cho gia đình gần như quanh năm. Hiệu quả kinh tế vượt trội hơn hẳn trồng lúa độc canh trên vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang).
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) Trần Văn Hát, nghề nuôi thủy sản nước ngọt phát triển đã giúp nông dân nơi đây phát huy các nguồn lực đất đai, lao động, giải quyết công ăn việc làm cho lao động, thích ứng biến đổi khí hậu và góp phần xây dựng thành công nông thôn mới. Thị xã Cai Lậy được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Tiếp theo, huyện Cai Lậy được công nhận và ra mắt huyện nông thôn mới vào năm 2022 và cuối năm 2023. Dự kiến huyện Cái Bè sẽ được công nhận và ra mắt huyện nông thôn mới. Thành quả đó, có đóng góp to lớn của nghề nuôi thùy sản nước ngọt đang lên hương tại đây.