Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, đối với Hà Nam, nước là tài nguyên, nguồn lực đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Sự suy thoái về chất lượng nước, gia tăng vùng nước bị ô nhiễm... đã và đang là thách thức cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây; dự báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong các năm tiếp theo nếu không được quản lý khai thác, sử dụng hợp lý, đầu tư đúng mức. Để tổ chức thi hành pháp luật Tài nguyên nước năm 2023 kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định về việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước; chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện rà soát, xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật; tuyên truyền, tập huấn Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu, các đại biểu dự Hội nghị nghiêm túc, tập trung tiếp thu đầy đủ các nội dung; chủ động đưa ra các vấn đề thảo luận để hiểu sâu sắc hơn và áp dụng, thực hiện hiệu quả trong quá trình quản lý, sử dụng tài nguyên nước tại địa phương.
Tại đây, các đại biểu đã được chuyên gia Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp các nội dung như: Tổng quan về những điểm mới của Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư 03/2024/TT-BTNMT, ngày 16/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi thành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư 04/2024/TT-BTNMT, ngày 16/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kiểm tra chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư 05/2024/TT-BTNMT, ngày 16/5/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyền nước…
Hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện.
Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật gồm 10 chương, 86 điều đã thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng, đột phá hướng tới tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013 và mục tiêu quan trọng nhất là bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.