Không dàn trải, tỉnh quyết định tập trung mọi nguồn lực, tạo ra “cú hích” đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện. Hành trình 5 năm bắt đầu bằng sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, những nỗ lực chưa từng có trong tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn và những sáng kiến trong xúc tiến đầu tư.
Từ một Phú Thọ với nhiều khó khăn thách thức, giờ đây gam màu tươi sáng đã chiến vị thế chủ đạo trong bức tranh kinh tế - xã hội với hàng loạt dự án đầu tư thành công, sự thăng hạng ấn tượng trên các bảng xếp hạng và vị thế ngày càng vững mạnh trong vùng động lực Bắc Bộ.
Kỳ 1: Chọn “đúng” để làm “được”
Nhìn lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, Phú Thọ xác định 4 khâu đột phá là: Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt; đào tạo nguồn nhân lực; cải cách hành chính; phát triển du lịch. Không phải ngẫu nhiên mà bước sang nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh quyết định lựa chọn chỉ một khâu đột phá. Quyết định này xuất phát từ những bài học kinh nghiệm rút ra từ các nhiệm kỳ trước, cũng như yêu cầu bức thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh mới.
Nhìn rõ bài học, xác định “điểm nghẽn”
Kết thúc 5 năm (2015 - 2020) triển khai 4 khâu đột phá đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Phú Thọ cơ bản hình thành hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại đồng bộ, phát triển các tuyến đường huyết mạch để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế vùng. Phát triển du lịch cũng có những bước tiến mới với trọng tâm là khai thác tiềm năng từ các di sản văn hóa và điều kiện tự nhiên. Cải cách hành chính dần đi vào nền nếp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt ở nhóm khá. Nguồn nhân lực được nâng cao về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, những kết quả này chưa đủ sức tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ và bền vững trong tăng trưởng kinh tế, phần lớn do môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh vẫn bị đánh giá là thiếu tính cạnh tranh so với các tỉnh lân cận. 4 khâu đột phá chưa tạo ra “cú hích” lớn, bước tiến trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, thực hiện xã hội hóa các nguồn lực chưa nổi bật. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh chỉ ở mức trung bình khá của cả nước. Phú Thọ nhận định đây chính là “điểm nghẽn” lớn mà tỉnh cần phải giải quyết triệt để nếu muốn bứt phá trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trên cơ sở phân tích sâu sắc về tình hình và thách thức, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phú Thọ quyết định chọn chỉ một khâu đột phá chiến lược: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Thay vì phân tán nguồn lực vào nhiều khâu đột phá, tỉnh ưu tiên tập trung “sức mạnh” để tạo ra một môi trường đầu tư “lý tưởng” - là nền tảng, tạo động lực, kích thích sự phát triển của mọi lĩnh vực khác.
Trên cơ sở của Nghị quyết về khâu đột phá duy nhất này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025, triển khai thực hiện 8 nhóm giải pháp, cụ thể hóa 33 nhiệm vụ thành các cơ chế, chính sách; đồng thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ như: Xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030; Kế hoạch đầu tư công trung hạn; các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch xúc tiến đầu tư 2021 - 2025…
Đổi mới tư duy, quyết liệt hành động
Thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược được Phú Thọ xác định không chỉ đơn giản là các nhiệm vụ cụ thể mà là cả một quá trình đồng bộ từ thay đổi nhận thức đến hành động; không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền và lãnh đạo tỉnh mà còn là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, và Nhân dân.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Phú Thọ đã đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo, khẳng định cam kết cải cách toàn diện và sâu rộng. Lần đầu tiên Phú Thọ thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Lãnh đạo tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, làm việc với các địa phương, đơn vị để đôn đốc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực.
Không để “trên nóng dưới lạnh”, các cơ quan ban ngành và các địa phương trong tỉnh đều được giao chỉ tiêu cụ thể, từ số lượng, tiến độ dự án thu hút đầu tư đến tỷ lệ hài lòng của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đầu tư tại tỉnh; phân công rõ người, rõ việc, mốc thời gian cụ thể thực hiện. Điều này đã tạo ra một sự nhất quán và đồng lòng từ cấp tỉnh đến các cấp huyện, xã trong thực hiện khâu đột phá.
Các kế hoạch hành động cụ thể được tỉnh xây dựng theo từng năm đã giúp mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư từng bước trở thành hiện thực chứ không chỉ nằm trên văn bản. Theo đó năm 2021, tỉnh tập trung xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Những cuộc đối thoại, gặp gỡ người dân tại các vùng có dự án đã diễn ra liên tục, giúp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo tiến độ thi công và tạo điều kiện để các nhà đầu tư lớn có thể triển khai nhanh chóng.
Đến năm 2022, tỉnh đẩy mạnh triển khai các dự án. Nhiều thủ tục đầu tư đã được cắt giảm, rút gọn quy trình và số hóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh. Hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến giúp nhà đầu tư có thể theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ một cách minh bạch. Chuyển đổi số được quan tâm đẩy mạnh. Nhờ những nỗ lực này, Phú Thọ đã thu hút được một số lượng dự án lớn, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng được khuyến khích đóng góp ý kiến, tham gia đối thoại với chính quyền để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án, góp phần xây dựng môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả. Người dân toàn tỉnh cũng được vận động tham gia thực hiện khâu đột phá, từ việc đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng đến tạo điều kiện và môi trường thân thiện cho các nhà đầu tư.
“Hiện nay, tất cả các đơn vị, địa phương của tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái đầu tư hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ tối đa; môi trường văn minh ổn định; các dịch vụ công có chất lượng cao; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm, đáp ứng nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo cho các doanh nghiệp” - Ông Trịnh Thế Truyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Mục tiêu đã xác định và Phú Thọ đang từng ngày biến mục tiêu đó thành hành động cụ thể và thành quả đáng ghi nhận. Từ xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính đến gỡ khó cho doanh nghiệp, Phú Thọ đã có những bước đi mạnh mẽ, đồng bộ, thể hiện quyết tâm của toàn tỉnh trong việc xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, bền vững và mang lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển dài hạn của địa phương.
Kỳ 2: Hành trình bền bỉ