Kỳ 2: Hành trình bền bỉ
Mặt bằng sạch - Thủ tục thoáng
Nhận thấy mặt bằng sạch là yếu tố tiên quyết để thu hút nhà đầu tư, trong suốt nhiệm kỳ, Phú Thọ xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt để tháo gỡ “nút thắt” tiếp cận đất đai, mở đường cho doanh nghiệp. Nhiều khu, cụm công nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng, tạo quỹ đất sạch dồi dào, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế tỉnh nhà.
Dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Cẩm Khê do Công ty cổ phần Xây dựng Đức Anh là chủ đầu tư, được triển khai năm 2017 với diện tích quy hoạch 450ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 2.478 tỷ đồng. Mặc dù là dự án trọng điểm của tỉnh nhưng dự án bị chậm tiến độ trong thời gian dài do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần “càng khó càng phải làm”, lãnh đạo tỉnh, huyện Cẩm Khê đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo quyết liệt để “gỡ khó” cho chủ đầu tư.
Cùng với tuyên truyền vận động, tạo điều kiện tối đa cho người dân, huyện cũng kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp không chấp hành quy định để dự án triển khai đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Đức Anh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Đức Anh cho biết: "Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm chỉ đạo, chung tay đồng hành từ phía chính quyền địa phương. Đến nay, diện tích đã được giải phóng mặt bằng là 348,5ha/450ha thuộc dự án. Khu công nghiệp đã thu hút được khoảng 10 nhà đầu tư thứ cấp đang sản xuất kinh doanh ổn định".
Nhờ nhiều biện pháp và bài học thực tiễn, công tác giải phóng mặt bằng vốn là bài toán khó đã dần được giải. Nhiều dự án bàn giao mặt bằng nhanh so với kế hoạch, như dự án xây dựng cầu Phong Châu mới, chỉ trong 2 tuần thực hiện tuyên truyền, vận động, 7 hộ dân xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao có đất liên quan đến dự án đã nhanh chóng tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, hoa màu, bàn giao đất cho Nhà nước.
Tính chung toàn tỉnh, từ năm 2020 đến nay đã bàn giao trên 700ha đất sạch các dự án trọng điểm. Dự kiến đến hết năm 2024, 16/20 dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản hoàn thành, vượt tiến độ so với kế hoạch. Phú Thọ luôn nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao của cả nước.
Cùng với mặt bằng sạch, tỉnh đã rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư. UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đã chủ động thực hiện việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm phát hiện thủ tục hành chính, quy định hành chính không cần thiết, không hợp lý. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 77 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh trong các lĩnh vực tư pháp, thông tin truyền thông, nông nghiệp và nông thôn, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, công thương, ngoại vụ, khoa học và công nghệ, văn hóa - thể thao và du lịch.
Hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến hoạt động hiệu quả, cho phép doanh nghiệp và người dân nộp hồ sơ, theo dõi và nhận kết quả xử lý hoàn toàn qua mạng. Năm 2024, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đạt 81,7% (tăng 7,9%); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 44,4%. Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) tăng đều trong suốt 5 năm, từ xếp thứ 26 năm 2019 lên xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố năm 2023 với 69.10 điểm - số điểm cao nhất từ trước đến nay. Con số này minh chứng cho niềm tin, sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương.
Ông Kiều Đức Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Một trong những điểm cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong công tác cải cách hành chính của tỉnh Phú Thọ là sự nỗ lực bền bỉ trong suốt một thời gian dài. Trên hành trình cải cách, tỉnh không chỉ quan tâm đến kết quả đã đạt được mà còn thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cũng như nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ, giải quyết. Công tác cải cách hành chính được gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”.
Tỉnh cũng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện cung cấp các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư với chất lượng ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, Phú Thọ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Đây cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư tin tưởng, gắn bó với tỉnh.
Giữ niềm tin, hút đầu tư
Nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh dấu bước đổi mới mạnh mẽ của tỉnh Phú Thọ trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực phát triển, với nhiều giải pháp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu và xu hướng mới của thị trường đầu tư.
Để tránh dàn trải, “tốn nhiều thời gian nhưng không hiệu quả”, tỉnh xây dựng một chiến lược xúc tiến đầu tư 5 năm rõ ràng, bao gồm các danh mục dự án ưu tiên, lĩnh vực trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể. Chiến lược này được định kỳ rà soát, điều chỉnh để phù hợp với biến động kinh tế trong nước và quốc tế, đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả. Thay vì dàn trải, tỉnh tập trung xúc tiến các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tư duy xúc tiến đầu tư hoàn toàn đổi mới khi tỉnh chủ động nghiên cứu các thị trường tiềm năng, xu hướng đầu tư mới để tiếp cận. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư đến những quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh về công nghiệp và công nghệ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, và các nước EU.
Đồng thời, Phú Thọ cũng tích cực tham gia các hội chợ đầu tư quốc tế, diễn đàn kinh tế lớn để giới thiệu cơ hội và tiềm năng của tỉnh. Đặc biệt, ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến đầu tư đã mang lại nhiều hiệu quả bất ngờ. Phú Thọ đã triển khai cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án, quy hoạch và chính sách ưu đãi đầu tư qua hệ thống Cổng/Trang thông tin điện tử.
Qua đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và thực hiện các thủ tục từ xa, tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đồng hành với doanh nghiệp theo phương châm “Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh”, đồng thời “Giải quyết khó khăn cho từng doanh nghiệp” là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang tại nhiều chương trình, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp thời gian qua. Bên cạnh việc thu hút dự án mới, tỉnh đặc biệt chú trọng hỗ trợ và giữ chân các doanh nghiệp đang hoạt động. Những hội nghị đối thoại doanh nghiệp, các cuộc khảo sát ý kiến nhà đầu tư được tổ chức thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Nhiều chính sách hỗ trợ ưu đãi về thuế, đất đai, lao động cũng được tỉnh áp dụng nhằm tạo niềm tin và động lực cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư.
Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Hà) thuộc tập đoàn BYD, có trụ sở chính tại Thâm Quyến (Trung Quốc) chính thức đi vào sản xuất từ tháng 8/2022. Trong quá trình thành lập và đi vào hoạt động, Công ty được nhận sự quan tâm hỗ trợ tích cực, hiệu quả từ các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định. Nhờ đó, Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đầu tư giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ông Leo Su - Giám đốc Công ty TNHH Điện tử BYD Việt Nam cho biết: “Trong một thời gian đầu tư, kinh doanh tại Phú Thọ, chúng tôi được nhận hỗ trợ rất lớn từ phía các cơ quan chức năng của tỉnh. Do đó chúng tôi rất yên tâm tập trung đầu tư sản xuất, mở rộng dây chuyền để phát triển ổn định, bền vững. Đầu năm 2023, BYD Việt Nam điều chỉnh đầu tư lần thứ hai thêm 183,7 triệu USD để đầu tư sản xuất linh điện điện tử có thành phần gốm, thủy tinh, kim loại, bo mạch đồ hoạ và sản xuất pin cho máy tính bảng và điện thoại. Tiếp đó, vào tháng 8/2023, BYD Việt Nam tiếp tục điều chỉnh đầu tư lần thứ ba với ngành nghề sản xuất sản phẩm modem cho trạm BTS 5G, 4G và pin lithium cho điện thoại, máy tính bảng và các sản phẩm điện tử với số vốn tăng thêm là 144 triệu USD. Như vậy, BYD đã đăng ký đầu tư tổng cộng gần 600 triệu USD vào Phú Thọ chỉ trong một thời gian ngắn.
Chỉ tính trong 4 năm (từ năm 2020 đến nay), tỉnh đã thu hút hơn 500 dự án đầu tư tư nhân (DDI), vốn đăng ký 54 nghìn tỷ đồng; 90 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký 1.500 triệu USD (đầu tư mới và bổ sung vốn); toàn tỉnh có 12.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn 113,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4.000 doanh nghiệp so với năm 2020.
Doanh nghiệp lớn tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, các dự án mới không ngừng gia tăng, vào tốp các địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao trong cả nước. Phú Thọ ngày càng khẳng định vị thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, không chỉ bởi lợi thế sẵn có mà còn bởi niềm tin vững chắc mà tỉnh đã xây dựng với cộng đồng doanh nghiệp.
Kỳ 3: Nền tảng vững chắc - Vươn mình phát triển