Năm 2022, Phú Thọ đạt 66.30 điểm - số điểm cao nhất từ trước đến nay, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với các chỉ số thành phần, so với năm 2021, Phú Thọ tăng điểm ở 6 chỉ số thành phần: Tiếp cận đất đai (đạt 7.25 điểm, tăng 0.24 điểm); Chi phí không chính thức (đạt 6.54 điểm, tăng 0.09 điểm); Cạnh tranh bình đẳng (đạt 5.28 điểm, tăng 0.34 điểm); Tính năng động (đạt 7.26 điểm, tăng 0.08); Đào tạo lao động (đạt 6.53 điểm, tăng 0,32 điểm); Thiết chế pháp lý (đạt 7.51 điểm; tăng 0.49 điểm).
Đáng chú ý, với 7.25 điểm, chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh đạt điểm cao nhất từ trước đến nay. Xác định việc tiếp cận đất đai là “mấu chốt” để doanh nghiệp quyết định đầu tư tại tỉnh, Phú Thọ quyết liệt trong triển khai các giải pháp nâng điểm ở chỉ số này, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng kiên nhẫn, bền bỉ và nhất quán.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang: Tỉnh đã công khai các quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, bảng giá đất trên địa bàn và các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư và ưu đãi đầu tư, các văn bản có liên quan đến đầu tư trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của các huyện, thành, thị để tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân tra cứu thông tin. Đồng thời rút gọn thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.
Hai năm 2021 và 2022 được Phú Thọ xác định là năm tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai các dự án, nhờ đó tỉnh đã thu hồi được diện tích đất sạch lớn để bàn giao cho các nhà đầu tư.
Chỉ số Chi phí không chính thức tiếp tục trên đà tăng điểm từ 5.21 điểm năm 2016 lên 6.54 điểm vào năm 2022. Chỉ số này được sử dụng để đo lường các khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để chi trả các khoản phí không liên quan đến sản xuất, đầu tư, tiền phạt và các khoản phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Do vậy, đây đồng thời là chỉ số được các doanh nghiệp đánh giá gắt gao khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư, đánh giá môi trường kinh doanh.
Để có được sự cải thiện trên, Phú Thọ đã chú trọng đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyêt công việc. Quán triệt, kiểm tra, đôn đốc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, ngành trong việc tiếp nhận, hướng dẫn và xử lý hồ sơ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến, giảm tối đa chi phí thời gian, không để người dân, doanh nghiệp phải bỏ chi phí không chính thức khi đến giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp tục thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử… giải quyết kịp thời những phản hồi, ý kiến của doanh nghiệp.
Đồng thời, các ngành, các địa phương tích cực rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra; hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thực sự cần thiết. Riêng Thanh tra tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như đất đai, tài nguyên… Bên cạnh đó, Sở Nội vụ tập trung kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức... Việc cắt giảm các chi phí không chính thức cũng là một yếu tố tạo ra sân chơi bình đẳng cho các khu vực kinh tế, góp phần giúp Phú Thọ tăng điểm ở chỉ số Cạnh tranh bình đẳng.
Sát sao với doanh nghiệp, năng động trong thu hút đầu tư, sáng tạo trong hoạt động cung cấp dịch vụ công, điểm ở chỉ số Tính năng động của Phú Thọ tiếp tục tăng cao và bền vững, xếp thứ 10 cả nước.
Kết quả này phần lớn nhờ sự quyết đoán, linh hoạt của lãnh đạo tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và sự chuyển động mạnh mẽ trong thay đổi lề lối, tác phong làm việc ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, điểm ở chỉ số Đào tạo lao động của tỉnh cũng tiếp tục tăng và xếp thứ 8 của cả nước. Phú Thọ tạo lập một môi trường đầy ưu thế về lao động, môi trường, chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp.
Ông Vincent Chu - Giám đốc điều hành Công ty TNHH YIDA Việt Nam (Khu công nghiệp Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) cho biết: Sau một thời gian đầu tư, kinh doanh tại Phú Thọ, doanh nghiệp nhìn thấy được những tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ của tỉnh, nên DN muốn tập trung đầu tư sản xuất, mở rộng dây chuyền để phát triển ổn định, bền vững tại tỉnh.
Mặc dù đạt được sự cải thiện đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, song năm 2022 thứ hạng của tỉnh vẫn giảm 4 bậc so với năm 2021, một số chỉ tiêu giảm điểm như: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Để có giải pháp cải thiện hơn nữa tổng điểm PCI, Phú Thọ tập trung chính vào cải thiện điểm số và nâng hạng của các chỉ số chính, cũng chính là góp phần tiếp tục thực hiện quyết liệt khâu đột phá chiến lược cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực; tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ; xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; công khai, minh bạch hóa thông tin trên website, đặc biệt là các thông tin như: quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương, các dự án đầu tư công, đấu thầu; rút ngắn, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư của các chủ dự án vào tỉnh, đặc biệt là các ngành: đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản, thuế, hải quan.
Với tinh thần cầu thị, quyết tâm cải thiện các chỉ số một cách thực chất và bền vững, tin tưởng rằng Phú Thọ sẽ tiếp tục có những bước tiến trên bảng xếp hạng này.