Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu chủ đầu tư các dự án khởi công mới năm 2022 phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án để đảm bảo điều kiện phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn theo quy định; xây dựng chi tiết giải ngân theo từng tháng, quý, từng dự án để kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn, đảm bảo tỷ lệ giải ngân 100% vốn.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đôn đốc chủ đầu tư triển khai các thủ tục đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công. UBND tỉnh kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân thấp, không đạt tiến độ, dự án không đảm bảo thủ tục đầu tư theo thời gian quy định.
Toàn bộ vốn cắt sẽ điều chuyển sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân ngay khi bổ sung vốn.
Số liệu công bố từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, đến hết ngày 30/4, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2022 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) chỉ đạt 873,505 tỷ đồng, bằng 18,6% so với kế hoạch vốn đã qua hệ thống kho bạc và đạt 14,9% so với tổng kế hoạch vốn được giao, bao gồm: ngân sách trung ương đạt 1,9% và vốn ngân sách địa phương đạt 19%. Kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 đã giải ngân khoảng 6,9% (27,598 tỷ đồng).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, hiện đã phân bổ hơn 5.000 tỷ đồng vốn kế hoạch (85,7%). Như vậy, kết quả giải ngân thấp chủ yếu do các đơn vị, địa phương thực hiện các thủ tục đề nghị kéo dài kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022, hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán khối lượng.
Các dự án khởi công mới chậm trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện việc đấu thầu, chấm thầu và thương thảo hợp đồng. Các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài gặp vướng mắc trong thủ tục giải ngân dự án hoặc đang thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện.
Điển hình như huyện miền núi Phước Sơn, đây là đơn vị có nhiều công trình giao thông bị sạt lở trong mưa lũ từ năm 2019 đến nay vẫn chưa triển khai được.
Báo cáo của UBND huyện Phước Sơn cho thấy, tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2022 mới chỉ đạt bình quân dưới 10%, nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân do phải làm rất nhiều thủ tục từ Trung ương đến địa phương như: Nguồn vốn kéo dài từ năm 2021 của ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư khắc phục thiên tai kéo dài số tiền: 7,093 tỷ đồng, đang chờ thủ tục cho phép kéo dài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục triển khai thực hiện và giải ngân thanh toán khối lượng hoàn thành trong tháng 6 năm 2022. Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư công được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài số tiền 17,087 tỷ đồng, chưa giải ngân; đang chờ chủ trương của UBND tỉnh.
Trong khi đó, kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư khắc phục thiên tai được phân bổ 20 tỷ đồng, đã giải ngân 156 triệu đồng, đạt 1% kế hoạch vốn giao, hiện nay 6 công trình đã khởi công phấn đấu hoàn thành trong tháng 7 năm 2022.
Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư, thực hiện các danh mục, chương trình, nghị quyết với nguồn vốn được phân bổ hơn 102 tỷ đồng, mới giải ngân được 31,441 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch vốn giao.
Huyện Phước Sơn hiện đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để thực hiện, hoàn thành các hạng mục công trình, thực hiện hiệu quả việc nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho nhà thầu; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành gửi cơ quan tài chính thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Đối với các dự án mới, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, hoàn thành sớm thủ tục đầu tư và đấu thầu thi công, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ.