Sáng 11/5, tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Tại kỳ họp này, Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là 5 dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội về chủ trương đầu tư. Các dự án này có sử dụng đa dạng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn đầu tư trung hạn và gói kích thích kinh tế cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác. Lãnh đạo Quốc hội đề nghị làm rõ việc phân kỳ đầu tư, hình thức cơ cấu các nguồn vốn đầu tư và đặc biệt là tính khả thi, tránh tình trạng có chủ trương đầu tư nhưng không triển khai được.
Với các dự án đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải kết hợp hài hoà về nguồn vốn, làm sao để việc giải ngân vốn đạt hiệu quả, triển khai những dự án có tính chiến lược, đặc biệt những dự án có tính liên kết vùng. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tình hình giải ngân vốn đầu tư hiện rất khó khăn, 3 tháng mới được 11%, đây là vấn đề lớn, cần xem xét, đánh giá rất kỹ.
Lãnh đạo Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước sớm có báo cáo về 5 dự án quan trọng quốc gia. Kiểm toán nhà nước phải chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình về các nội dung liên quan đến những dự án quan trọng này.
Về nội dung xem xét bổ sung kế hoạch phân bổ ngân sách trung ương cho các bộ, ngành địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là một trong số nhóm nội dung triển khai Nghị quyết 43 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Nghị quyết này yêu cầu bảo đảm điều hoà vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chương trình chính sách tiền tệ, để ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án có tính lan toả, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn…
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đã nửa năm 2022 rồi, nhưng việc triển khai gói 347 ngàn tỷ của Chương trình phục hồi rất chậm. Theo Nghị quyết 43, Chính phủ phải rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án, chương trình sử dụng vốn từ chương trình phục hồi kinh tế và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2022, trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước và kế hoạch đầu tư công 2023 để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải ngân vốn của chương trình trong 2 năm 2022-2023.
"Nhưng đến nay số vốn mới bổ sung thêm dự toán khoảng 18.000 tỷ đồng là chưa nhằm nhò gì và nếu hết năm 2023 không giải ngân được sẽ trình Quốc hội dừng lại, vì nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế nữa. Chúng tôi rất băn khoăn lo lắng, lúc trình ai cũng nói giải ngân được trong 2 năm, cơ chế chính sách đặc thù cũng đã cho hết rồi thì không hiểu lý do vì sao chậm”, ông Huệ nêu và đề nghị Chính phủ giải trình kỹ trước Quốc hội việc chậm điều hoà vốn này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần giải trình rất kỹ trước Quốc hội về việc chậm trễ điều hoà vốn.
Theo báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 18,48% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó vốn trong nước đạt 19,57%; tuy nhiên, vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn năm 2022.