Theo đó, 3 hồ chứa nước được lựa chọn để nuôi thí điểm các nước ngọt gồm: Hồ chứa nước Nước Trong (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà), hồ chứa nước Đồng Giang (xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) và hồ chứa nước Hố Tạc (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa).
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan nghiên cứu tiếp cận Trung tâm nghiên cứu, các địa phương khác, doanh nghiệp đã thành công trong thực tiễn với mô hình nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa nước để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện theo hướng hiệu quả nhất, cách làm ngắn nhất (chú trọng việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cùng liên kết sản xuất nhằm phát triển bền vững giữa người nuôi trồng thủy sản, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học…).
Đồng thời, rà soát các quy định có liên quan, làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của các cá nhân nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ; trên cơ sở đó đề xuất cấp có thẩm quyền phương án khuyến khích, hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản, hoàn thành trước ngày 30/7/2022…
UBND các huyện Sơn Hà, Tư Nghĩa hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư nuôi cá trong lòng hồ thực hiện việc lập hồ sơ dự án nuôi cá trong lòng hồ cho từng hồ chứa nước theo quy định của pháp luật về thủy sản; gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định kỹ thuật dự án.
Đồng thời, lập đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định, gửi Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận và giải quyết.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định đối với việc quản lý, khai thác các hồ chứa nước được giao cho công ty quản lý, vận hành, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Theo Thông báo số 2/TB-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 124 hồ chứa với tổng dung tích trữ thiết kế hơn 409 triệu m3, phân bố trên địa bàn 11/13 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 25 hồ chứa nước lớn, 36 hồ chứa nước vừa và 63 hồ chứa nước nhỏ. Đa số các hồ chứa đều có độ sâu mực nước hơn 10 mét và diện tích lưu vực lớn.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 940 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó có khoảng 800 ha nuôi ở các hồ chứa với sản lượng khoảng 1.700 tấn/năm.
Chính vì thế, việc tận dụng được lợi thế nguồn mặt nước dồi dào từ các hồ chứa và việc đầu tư bài bản có khoa học phù hợp với từng địa phương sẽ giúp mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong lòng hồ chứa không chỉ tạo công ăn, việc làm cho người dân mà còn góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng tới phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa.
Thực tế, tại Quảng Ngãi đã có nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế cao. Thành công nhất phải kể đến mô hình nuôi các loại các mè, trắm cỏ, cá trôi… trên phần diện tích mặt hồ hơn 200ha (thuộc hồ chứa nước Núi Ngang) ở xã Ba Liên, huyện Ba Tơ với 43 hộ đồng bào Hre tham gia. Mỗi năm bình quân khai thác được 80 - 90 tấn cá, tổng thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí gần 2,4 tỷ đồng để thực hiện Kế hoạch hỗ trợ nuôi thủy sản lồng bè trên sông, hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2022 - 2024.