Đây là những hành động cụ thể để Quảng Ninh hướng tới mục tiêu cao nhất phấn đấu đến hết năm 2021 toàn tỉnh đạt miễn dịch cộng đồng với trên 90% dân số đủ điều kiện được tiêm. Địa phương này đang khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và công khai Kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 năm 2021-2022 bảo đảm nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất và triển khai thực hiện đúng chủ trương, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đầu năm 2021, Quảng Ninh đã dành khoảng 500 tỷ đồng ngân sách cùng với nguồn lực xã hội hóa cho phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân.
Từ tháng 4/2021, Quảng Ninh bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.
Tính đến hết tháng 7/2021, Quảng Ninh triển khai 7 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 với hơn 126 ngàn liều đã được tiêm an toàn. Trong đó, có trên 115 ngàn người tiêm 1 mũi và hơn 11,5 ngàn người tiêm đủ 2 mũi.
Ngoài lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch COVID-19 được ưu tiên theo quy định, Quảng Ninh chủ động tiêm vaccine cho người lao động, công nhân tại khu công nghiệp, cư dân biên giới ở các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu và người làm trong ngành du lịch, dịch vụ…
Điển hình tại thành phố Hạ Long, trong đợt 7 tiêm vaccine phòng COVID-19, thành phố dự kiến tiêm 6.000 liều cho người lao động ở những ngành nghề có nguy cơ cao gồm, tiểu thương các chợ, trung tâm thương mại, lái xe taxi, xe ôm, người làm nghề bốc vác… Riêng ngày 31/7, có 1.200 tiểu thương chợ Hạ Long I được tiêm vaccine.
Bà Nguyễn Thị Tình, tiểu thương chợ Hạ Long I cho biết, sau khi được tiêm vaccine, bà vẫn tuân thủ nghiêm thông điệp 5K để phòng, chống dịch.
Để đảm bảo tiêm nhanh nhất, hiệu quả nhất và an toàn nhất, ngành Y tế Quảng Ninh bố trí đầy đủ nhân lực, vật lực cho công tác tiêm chủng. Cụ thể, ngành Y tế thành lập 96 tổ cấp cứu với gần 300 y, bác sĩ tham gia công tác tiêm chủng; thành lập 195 điểm tiêm chủng trên toàn tỉnh và 195 tổ cấp cứu đi theo điểm tiêm để đảm bảo người dân sau khi tiêm được theo dõi sát sao về sức khỏe. Ngành Y tế tổ chức các lớp tập huấn về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 2.200 cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng bao gồm đào tạo lại và đào tạo mới. Trong đó, gần 1.500 cán bộ làm công tác tiêm chủng thường xuyên trên toàn tỉnh và 800 người đào tạo mới.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho hay, tỉnh kiên trì thực hiện quan điểm lấy người dân làm chủ thể, đóng vai trò quyết định, lấy địa bàn cấp xã làm trung tâm, huy động tối đa nguồn nhân lực y tế làm nòng cốt để triển khai tiêm chủng đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân theo tinh thần vaccine được cấp đến đâu, thực hiện tiêm chủng an toàn đến đó, theo đúng kế hoạch, không để lãng phí.
Để đảm bảo tiến độ và an toàn tiêm chủng, Quảng Ninh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là sử dụng phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”, tạo thuận lợi cho người dân đăng ký tiêm chủng.
Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh thông tin, "Sổ sức khỏe điện tử" là ứng dụng di động dành cho người dân được kết nối trực tiếp với Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế, vừa hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh, an toàn, thuận tiện, vừa tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân.
Thông qua phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử", ngành Y tế sẽ theo dõi được có bao nhiêu người đăng ký tiêm chủng, từng liều vaccine được chuyển đến các điểm tiêm, tiêm cho bao nhiêu người, còn lại bao nhiêu người chưa tiêm…
Dựa vào các dữ liệu, ngành Y tế sẽ sàng lọc để nắm bệnh nền của công dân, từ đó phân luồng trường hợp còn trẻ, còn khỏe có thể tiêm ở tuyến cơ sở. Trường hợp có nguy cơ hơn sẽ tiêm ở tuyến trên hoặc cử chuyên gia hồi sức tích cực xuống cơ sở để hỗ trợ.
Để đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 qua phần mềm “Sổ sức khỏe điện tử”, ngoài truy cập vào đường link https://hssk.kcb.vn/#/sskdt và chọn ứng dụng tải về, người sử dụng điện thoại thông minh còn có thể tải và cài đặt ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” từ các kho ứng dụng trên điện thoại.