Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, nhất là tuyến đê xung yếu, kịp thời gia cố, sửa chữa nếu cần. Đồng thời, đơn vị triển khai ngay công trình đảm bảo phòng, chống triều cường; vận hành hợp lý công trình thủy lợi; thông tin cho nông dân về thời gian triều cường, hướng dẫn biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát hệ thống đê, bờ bao xung yếu có nguy cơ bị tràn, vỡ; sẵn sàng phương án khắc phục thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ", huy động lực lượng trực 24/24 giờ trong các ngày triều cường...
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn rà soát phương án, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu, không để bị động, bất ngờ.
Theo dự báo thủy văn của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, đỉnh triều tháng 10/2022 cao hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề đạt mức 2,49m; tại Đại Ngãi đạt mức 2,26m vào các ngày 27-31/10/2022 (đỉnh triều cao nhất quan trắc trong 15 năm tại Trần Đề là 2,43m và tại Đại Ngãi là 2,14m xuất hiện vào ngày 30/9/2019). Dự báo, mức triều cao hơn vào các tháng cuối năm và mức triều sẽ cao hơn nếu có hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra cùng thời điểm.
Thiên tai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây chủ yếu là ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa dông, lốc, sét, sạt lở, triều cường, xâm nhập mặn... Đặc biệt, vào các năm 2015-2016 và mùa khô năm 2019-2020 hạn, mặn gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, những cơn dông, lốc xoáy xảy ra ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp hơn ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển những năm gần đây không theo quy luật, thời gian và địa điểm nên công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn.
Từ thực trạng này, Sóc Trăng đã tăng cường công tác chỉ đạo trong phòng, chống thiên tai, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều hình thức. Đồng thời, tỉnh cảnh giác, đề phòng hiện tượng thiên tai cực đoan, nhất là sạt lở đất; tăng cường diễn tập xử lý tình huống thiên tai; nâng cao nhận thức, cảnh báo sớm thiên tai cho cộng đồng, doanh nghiệp…