Tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ, phát triển rừng 

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng, gắn kết giữa người cung ứng và người sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

Chú thích ảnh
Cán bộ kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các xã kiểm tra diện tích rừng được giao khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tại tỉnh Yên Bái, thông qua hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái, từ năm 2012 đến nay đã đạt được những kết quả nổi bật. Minh chứng rõ nhất đó là tiền dịch vụ môi trường rừng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm và quyền lợi trong bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng đó là ý thức chấp hành quy định pháp luật của cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc các ngành nghề theo quy định phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng; góp phần vào việc bổ sung nguồn vốn cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến nay, Yên Bái đã huy động được trên 765 tỷ đồng từ các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng để chi các hoạt động liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng. Chính sách này là bước ngoặt quan trọng không chỉ nâng cao nhận thức toàn xã hội về giá trị phòng hộ của rừng mà còn trực tiếp tạo nguồn thu nhập cho người làm nghề rừng.

Xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải là nơi chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Toàn xã có hơn 3.430 ha đất có rừng. Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai, số tiền người dân trong xã nhận được từ dịch vụ môi trường rừng là gần 2 tỷ đồng/năm. Từ nguồn thu này, người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình; thêm động lực để chung tay góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cùng đó, nhận thức của người dân trong xã về việc bảo vệ rừng cũng được nâng lên, không còn xảy ra tình trạng đốt phá rừng làm nương rãy.

Chú thích ảnh
Tiền dịch vụ môi trường rừng luôn được tỉnh Yên Bái chi trả kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng.

Anh Lùa A Rùa, Trưởng bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông chia sẻ, bản được giao quản lý 760,06 ha rừng. Nguồn được chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân trong bản. Hàng năm, vào mùa khô, bản phân công các hộ trực phòng cháy rừng 24/24h và thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Người dân trong bản cũng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và mua thêm cây, con giống để nuôi trồng phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bí thư Đảng ủy xã Púng Luông Phạm Đức Thịnh cho rằng, chính sách này thực sự rất quan trọng đối với người dân vùng cao, nơi có diện tích che phủ rừng lớn. Trên cơ sở số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho người dân đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con; đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng.

Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Mù Cang Chải có trên 82.000 ha rừng nằm trong 4 lưu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng gồm: lưu vực sông Hồng, sông Đà, Nậm Tha và Nậm Xây. Hiện tại, huyện có 3 đơn vị chủ rừng gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải, Hạt Kiểm lâm quản lý diện tích rừng đặc dụng và UBND các xã quản lý diện tích rừng sản xuất.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải hiện đang quản lý diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng là trên 54.000 ha. Riêng năm 2020, đơn vị được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái chi trả trên 37 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho 11.3 hộ và 200 cộng đồng, nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải quản lý đã giảm rõ rệt.

Ông Nguyễn Tư Khoa, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết, để thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải đã tổ chức giao khoán đến cộng đồng dân cư và hộ gia đình một cách đầy đủ, rõ ràng trên cả bản đồ và thực địa.

Đồng thời, Ban quản lý còn phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ xung kích thường xuyên kiểm tra việc quản lý, bảo vệ rừng đối với người dân. Để đảm bảo công khai minh bạch trong chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải luôn nghiệm thu, họp bàn đánh giá kết quả thực hiện của diện tích rừng giao khoán để chi trả kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ diện tích rừng được giao khoán.

Chú thích ảnh
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng giúp người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái, đến nay, toàn tỉnh có gần 326.000 ha rừng và đất lâm nghiệp cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Năm 2021, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 kịp thời cho 11 chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp với số tiền gần 70 tỷ đồng, tương ứng với diện tích rừng là gần 115.000 ha. Hiện toàn tỉnh Yên Bái đã có hơn 56.000 hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi, gần 200.000 ha rừng được bảo vệ từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng.

Ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết, bảo vệ và phát triển rừng được các cấp, ngành và người dân quan tâm thực hiện hiệu quả nên số vụ vi phạm lâm luật như phát, phá, lấn chiếm đất rừng giảm đáng kể. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, tình trạng đốt nương làm rẫy gây cháy rừng gần như không xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Rất nhiều cộng đồng dân cư, thôn bản đã sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng cho phát triển kinh tế hộ gia đình và đặc biệt góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều thôn bản đã có nhà văn hóa khang trang, có đường giao thông nông thôn để góp phần cho bà con đi lại được thuận lợi và thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương.

Để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng thiết thực và hiệu quả đối với người dân vùng cao, thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp người dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng. Cùng đó, đôn đốc, thu tiền dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo không có đơn vị chậm nộp hoặc chây ỳ dẫn tới thiếu hụt nguồn thu; tiếp túc rà soát các diện tích rừng đủ điều kiện để được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để đưa vào chi trả đảm bảo đúng đối tượng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương và từng bước thực hiện công tác xã hội hóa lâm nghiệp...

Với phương châm "lấy rừng để nuôi rừng”, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực, huy động được các nguồn lực xã hội để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho quản lý, bảo vệ rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo động lực quan trọng, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện sinh kế của người dân vùng cao Yên Bái để từ đó động viên nhân dân gắn bó với rừng.

Việt Dũng  (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Thái Nguyên
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Thái Nguyên

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trồng rừng tập trung đạt 117,78% kế hoạch được giao, trồng cây phân tán đạt hơn 870.000 cây, vượt 280% kế hoạch, ổn định tỷ lệ che phủ rừng đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên khoá XX (nhiệm kỳ 2020-2025), giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010), ước đạt 607,69 tỷ đồng đạt 102,13% so với kế hoạch (595 tỷ đồng), tăng 8,62% so với cùng kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN