Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Quang Hưng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh Hải Dương) chia sẻ, quỹ đất dành cho phát triển các khu, cụm công nghiệp ở Hải Dương đang dần khan hiếm; việc dành nguồn vốn cho đầu tư phát triển còn quá thấp. Ông Hưng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục có những phân tích đánh giá sâu và dự báo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Hải Dương trong những năm tới để kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương những giải pháp mang tính khả thi, bứt phá trong năm 2021 và 5 năm 2021-2025.
Ông Phạm Quang Hưng đề nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá, rà soát lại danh mục các dự án đầu tư; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương phân bổ vốn đầu tư công năm 2021 và 5 năm 2021-2025 theo đúng kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện đầu tư dự án và giải ngân kế hoạch vốn theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định giao chi tiết của UBND tỉnh.
Theo ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, tổng vốn đầu tư công trong kế hoạch thanh toán năm 2020 của toàn tỉnh ước được thực hiện gần 6.800 tỷ đồng, gồm vốn kế hoạch hơn 3.700 tỷ đồng; vốn năm 2019 kéo sang hơn 773 tỷ đồng; vốn bổ sung từ nguồn tăng tiền sử dụng đất, tiết kiệm chi ngân sách hơn 2.300 tỷ đồng. Đến hết tháng 10/2020, tỷ lệ giải ngân đạt 70,8% kế hoạch vốn đã giao.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn ngân sách địa phương từ ngân sách tỉnh đầu tư cho 229 chương trình, dự án khoảng 26.600 tỷ đồng, gồm các dự án đã hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng trước 31/12/2020; dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới; trong đó, nhu cầu bố trí cho các dự án thuộc các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khoảng 200 tỷ đồng.
Để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả các công trình dự án phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, Hải Dương sẽ tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương triển khai lập và phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án mới khởi công.
Đồng thời, tỉnh tăng cường rà soát để đảm bảo các dự án bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2021 và 5 năm 2021-2025 phải có đầy đủ các thủ tục theo Luật Đầu tư công; vốn phân bổ cho từng dự án cụ thể phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên quy định của pháp luật về đầu tư công và Nghị quyết của HĐND tỉnh về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ. Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện.
Chính quyền các địa phương trong tỉnh cần rà soát nguồn thu từ tiền sử dụng đất để lập kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương và triển khai đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ dự án. Hải Dương cũng tiếp tục mở rộng các hình thức đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng...
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 và 5 năm 2021-2025, Hải Dương đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó, phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng, tương đương 4.800 USD; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đến năm 2025 đạt 95%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025 đạt 20%. Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2025 đạt 0,77; phấn đấu giảm 4/5 số hộ nghèo trong vòng 5 năm theo chuẩn mới; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 đạt 80%...
Để đạt được những mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Đình Kiêm, Hải Dương đã đề ra 3 khâu đột phá gồm: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh; chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo.