Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ cho biết: “Trong bốn tháng từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2021 đã xảy ra những trận mưa lớn, đặc biệt là cơn bão số 7 và số 8, bão chồng bão làm đã cho nhiều diện tích ớt bị ngập úng và thối rễ. Ban chỉ đạo xã đã hướng dẫn người dân phục hồi nhiều lần nhưng cũng chỉ khắc phục được một phần”.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trường, nếu như năm 2020, giá ớt tại Quỳnh Phụ từ 50.000 - 90.000/kg, thì năm 2021 người dân trồng ớt đã phải nhổ bỏ vì ớt không tiêu thụ được. Nhiều cửa khẩu đóng cửa nên nông sản của bà con ứ đọng, thương lái không thu mua, ớt chín đầy đồng, giá chỉ còn 10.000 đồng/kg.
Tự tay hái những quả ớt cuối cùng, bà Nguyễn Thị Huệ (thôn Đông Xá, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ buồn rầu nói: “Nhà tôi trồng ớt đã nhiều năm nay, trung bình mỗi sào cho sản lượng từ 400-500 kg. Cuối năm 2021, do ảnh hưởng của mưa bão, ớt thối rễ chết nhiều nhưng vẫn cho sản lượng khoảng 350 kg/sào, nhưng nay giá cả thấp, không có người thu mua nên phải nhổ bỏ”.
Còn bà Nguyễn Thị Dinh (thôn Đông Xá, xã Quỳnh Hội) chia sẻ: “Mọi năm thời điểm này, 4 sào trồng ớt nhà tôi được thương lái mua toàn bộ, cho lãi 40 triệu đồng. Năm nay do mưa ngập, tốn nhiều công đầu tư, trừ chi phí, phân bón thì không còn lãi”.
Không như một số loại rau màu như hành, tỏi, súp lơ, cải bắp... có thể tiêu thụ tại chỗ, trái ớt thường được xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc.
Ông Phạm Văn Đam, Giám đốc HTX Toàn Năng, huyện Quỳnh Phụ, đơn vị thu mua cho biết: Những năm trước, mỗi ngày HTX Toàn Năng thu mua hơn 4 tấn ớt quả để xuất đi Trung Quốc, nhưng bây giờ chỉ thu mua được 2 tấn mỗi ngày do lo sợ Trung Quốc chưa thông quan các cửa khẩu, hàng hóa nông sản ách tắc.
“Do không có kho lạnh để bảo quản nên HTX Toàn Năng không thể đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm ớt cho bà con được. Trong khi dịch bệnh COVID-19 chưa biết đến bao giờ được khống chế, giao thương, đi lại khó khăn nên giá ớt năm nay xuống rất thấp, bà con mong muốn cần có mô hình bao tiêu sản phẩm khi vào vụ thu hoạch”, ông Phạm Văn Đam cho hay.