Theo đó, năm 2021 tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đưa 6.000 người đi xuất khẩu lao động; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động chiếm 60%.
Đông Sơn được xem là một trong những “điểm sáng” trong công tác xuất khẩu lao động của toàn tỉnh. Hàng năm, số tiền được lao động xuất khẩu gửi về đã giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo; đóng góp tích cực vào việc duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn huyện có 3.500 lao động đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước có thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Nga… Bình quân hàng năm thu nhập do xuất khẩu lao động mang lại khoảng 28 triệu USD trở lên, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người toàn huyện lên 49 triệu đồng/người năm 2020.
Xác định xuất khẩu lao động là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, từ năm 2016 đến nay, Đông Sơn đã đưa được 3.209 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó 3 năm từ 2019-2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến dịch COVID-19, nhưng địa phương đã đưa được 1.219 lao động sang làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu, châu Mỹ…
Để khắc phục khó khăn và khuyến khích người dân tham gia xuất khẩu lao động trong điều kiện dịch bệnh, UBND huyện Đông Sơn đã ban hành Đề án tăng cường công tác xuất khẩu lao động giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Đông Sơn phấn đấu trong 5 năm đưa trên 3.250 lượt người đi xuất khẩu lao động (trung bình mỗi năm 650 lao động trở lên). Năm 2022, huyện phấn đấu mở cửa trở lại thị trường Hàn Quốc và tập trung xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước châu Âu, châu Mỹ. Thu nhập hàng năm từ xuất khẩu lao động đạt 30 triệu USD trở lên.
Ông Phạm Đình Điện, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Đông Sơn cho biết, thực hiện Đề án tăng cường công tác xuất khẩu lao động giai đoạn 2021-2025, ngoài hỗ trợ 3 triệu đồng từ tỉnh, Đông Sơn đã trích từ ngân sách địa phương hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ cho người đi xuất khẩu lao động lần đầu, với mức 5 triệu đồng/người. Thời gian tới, ngành chủ động phối hợp, liên kết với các đơn vị xuất khẩu lao động có uy tín trên thị trường mở rộng thị trường và tuyển lao động đi xuất khẩu. Ngành tăng cường thông tin đầy đủ về các đơn vị tuyển dụng lao động đi xuất khẩu theo đúng quy định để người lao động biết về các thị trường, ngành nghề, việc làm, thu nhập, quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia thị trường lao động…
Cùng với Đông Sơn, Thiệu Hóa cũng là địa phương được đánh giá có nhiều nỗ lực trong công tác xuất khẩu lao động. Từ năm 2016 đến nay, địa phương đã đưa được 2.813 người đi xuất khẩu lao động; riêng 10 tháng năm 2021 đã nỗ lực đưa 146 người đi xuất khẩu lao động trong điều kiện dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn. Hiện 100% các xã, thị trấn có lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có 5/25 xã, thị trấn có số lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt chỉ tiêu hàng năm là: thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Viên, Thiệu Lý, Thiệu Trung, Thiệu Vận, Thiệu Phú. Theo thống kê,trung bình một năm số tiền mỗi lao động đi xuất khẩu gửi về cho gia đình khoảng 400-500 triệu đồng, đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bà Đoàn Thị Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thiệu Hóa chia sẻ, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xuất khẩu lao động toàn tỉnh nói chung và huyện Thiệu Hóa nói riêng. Hiện trên địa bàn có khoảng 800 lao động đã hoàn tất các thủ tục để bay nhưng, do dịch bệnh nên chưa thể tham gia thị trường lao động ngoài nước. Ngành đang cùng với địa phương thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần và khuyến khích họ tham gia các lớp học tiếng để củng cố và trang bị thêm kỹ năng, kiến thức trước khi xuất cảnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, trong điều kiện dịch COVID-19, nhưng các cấp, ngành và địa phương đã nỗ lực vượt khó để giữ vững các thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã đưa được 19.706 lao động đi làm việc tại nước ngoài, riêng 10 tháng năm 2021 đã đưa được gần 4.000 lao động xuất cảnh.
Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh Hóa được đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng lao động đang làm việc ở nước ngoài (khoảng 30.000 người). Xuất khẩu lao động không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt làng quê, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, khi nhiều lao động hết thời hạn về nước đã thành lập doanh nghiệp, làm trang trại... tạo việc làm cho người dân trên địa bàn.
Để đạt mục tiêu hàng năm đưa khoảng 6.000 lao động đi xuất khẩu, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đang cùng với các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về sự cần thiết của việc xuất khẩu lao động; tích cực phối hợp với các nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh để tham gia vào thị trường xuất khẩu lao động. Ngành cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường lao động trên thế giới để người lao động lựa chọn nơi làm việc, ngành nghề phù hợp để tham gia…