Hàng chục thanh niên đi xuất khẩu lao động phải về nước do bị ảnh hưởng COVID-19 ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị - ba địa phương có đông lao động xuất khẩu của cả nước - sẽ được hỗ trợ, cung cấp kiến thức chuyển đổi việc làm, sức khỏe sinh sản - tình dục và kỹ năng sống thông qua 29 sáng kiến thanh niên lao động xuất khẩu vượt qua tác động của dịch bệnh, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 2 tỷ đồng, triển khai đến hết tháng 3/2022. Đây là nội dung chính của Chương trình Hỗ trợ thanh niên lao động xuất khẩu bị ảnh hưởng COVID-19, một trong những hợp phần của Dự án “Giảm nhẹ tác động của COVID-19 đến nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng như đảm bảo tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam.
Lễ ký kết thực hiện chương trình đã diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến ngày 15/9 do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Nội vụ, UNFPA tại Việt Nam, 3 tỉnh Đoàn: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị tổ chức.
Dự án tập trung vào 4 vấn đề chính: Bạo lực trên cơ sở giới; Chăm sóc chất lượng dành cho người cao tuổi; Sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản; Hỗ trợ lao động trẻ xuất khẩu lao động khi trở về địa phương tại 14 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi COVID-19 gồm miền Bắc: Thái Nguyên, Điện Biên, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; miền Trung: Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk; và miền Nam: An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Lễ ký kết, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về COVID-19 và việc làm trên toàn cầu, công bố vào tháng 5/2020, chỉ ra rằng cứ 6 thanh niên thì có 1 thanh niên đã phải ngừng làm việc kể từ khi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải hứng chịu những những hậu quả kinh tế - xã hội đáng lo ngại do đại dịch gây ra. Thanh niên là một trong những nhóm dân số chịu tác động lớn từ khủng hoảng COVID‑19 với nhiều hệ lụy. Đặc biệt là những lao động trẻ Việt Nam tại nước ngoài bị ảnh hưởng bởi thay đổi đột ngột về điều kiện làm việc. Một số trường hợp buộc phải về Việt Nam. Khi về nước, những lao động này đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế xã hội đi đôi với quá trình tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng và thị trường lao động tại địa phương.
Thông tin từ Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội cho thấy, năm 2019, trên 147.000 thanh niên Việt Nam hiện làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Romania, Saudi Arabia và các thị trường lao động nước ngoài khác. Trước thực tế đó, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh, những tác động về kinh tế do dịch COVID-19 tại các quốc gia đên lao động đã đặt thanh niên Việt Nam đi xuất khẩu lao động rơi vào hoàn cảnh dễ bị tổn thương và không chắc chắn.
Nhiều người trong số họ mất việc làm và thường chỉ được thông báo trong khoảng thời gian ngắn. Một số khác phải gánh một khoản nợ để chi trả cho các sinh hoạt hằng ngày, trong khi những người khác do mất việc làm nên tình trạng nhập cư và quyền ở lại quốc gia sở tại cũng bị ảnh hưởng. Họ thường được thông báo phải trở về nước ngay lập tức và không có sự lựa chọn nào khác. Và khi về nước, họ cũng gặp phải vấn đề tái hòa nhập vào cộng đồng và thị trường lao động địa phương.
Hiện nay, những thanh niên phải trở về vẫn đang chờ đợi được quay trở lại thị trường lao động quốc tế để làm việc và để hỗ trợ gia đình. Vì vậy, họ thường gặp căng thẳng tâm lý vì cảm thấy tương lai bấp bênh, khó tìm việc làm có thu nhập để chi trả cho cuộc sống hằng ngày, hạn chế trong việc tiếp cận kỹ năng sống, trong đó có giáo dục giới tính và tình dục toàn diện.
Trong khi đó, nêu bật ý nghĩa của dự án, ông Okabe Daisuke, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, các sáng kiến về tạo việc làm, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục giới tính - tình dục toàn diện sẽ giúp thanh niên đi xuất khẩu lao động ở ba địa phương nhận hỗ trợ, có khả năng ứng phó với các thử thách một cách hiệu quả, tạo điều kiện tìm kiếm các giải pháp khác nhau, đồng thời đưa ra các giải pháp tối ưu, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch COVID-19. Qua đó, góp phần hiện thực hóa phương châm của các Mục tiêu Phát triển Bền vững là “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông báo những kết quả nổi bật trong hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn dự lễ ký kết, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho biết Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã triển khai thành lập 43 đội hình tình nguyện hỗ trợ 43 chốt giao thông lưu thông hàng hóa tại 19 tỉnh, thành phía Nam; thành lập trên 28.000 đội hình tình nguyện hỗ trợ các khu vực cách ly tập trung, 42.000 đội hình hỗ trợ trực chốt, 1,5 triệu đoàn viên thanh niên tham gia chống dịch và tổ chức chương trình Triệu túi an sinh, Triệu bữa cơm, Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương, chung tay vượt qua đại dịch... đồng thời, Đoàn đã huy động nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ thanh thiếu nhi và nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng giá trị hơn 181 tỷ đồng.
Với dự án hỗ trợ thanh niên đi xuất khẩu lao động do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, cùng sự hỗ trợ của UNFPA Việt Nam, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho rằng đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa, thiết thực và nhân văn, thể hiện tình cảm và mối quan hệ, hữu nghị sâu sắc, lâu dài giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản, trong đó thế hệ trẻ là người được đặc biệt quan tâm.
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương cho hay, ngay sau lễ ký này, Ban Bí thư Trung ương Đoàn sẽ chỉ đạo các đơn vị của Trung ương Đoàn, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đoàn: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị tạo mọi điều kiện, khẩn trương hỗ trợ các thanh niên triển khai sáng kiến về chuyển đổi việc làm tăng thu nhập nhằm giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đồng thời lan tỏa và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Tại lễ ký, đại diện các tỉnh Đoàn: Quảng Trị, Nghệ An và Hà Tĩnh cùng với Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương đã thực hiện ký kết trực tuyến triển khai Chương trình Hỗ trợ thanh niên lao động xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng COVID-19 ở ba địa phương này.