Xã Cẩm Ngọc, huyện miền núi Cẩm Thủy có 5 km đường bờ sông Mã với gần 100 hộ dân sống ven bờ sông, những năm qua do ảnh hưởng của thiên tai đã làm nhiều diện tích bờ sông Mã bị sạt lở. Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Cẩm Thủy đã đầu tư, xây bờ kè dài 200 m bờ sông, tuy nhiên những diện tích đường bờ sông còn lại tương đối lớn và có nguy cơ sạt lở mỗi khi mùa mưa bão về.
Ông Trương Duy Khánh, thôn Làng Song, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy cho hay: “Mấy năm gần đây sông Mã sạt lở rất mạnh, nhà nước quan tâm kè được một đoạn, còn lại nhiều đoạn chưa được kè. Những năm gần đây, nhiều điểm bị sạt lở, ảnh hưởng đến đất đai, cây trồng nông nghiệp của người dân ven bờ sông Mã. Đề nghị nhà nước sớm xây bờ kè chống sạt lở dọc bờ sông Mã để bảo vệ đất đai, hoa màu của người dân”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có nhiều vị trí trọng điểm gây sạt lở bờ sông Mã, chủ yếu tại các xã như: Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Ngọc, Cẩm Vân. UBND huyện Cẩm Thủy đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và di dân mùa mưa lũ năm nay.
Theo ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy cho biết, đối với các hộ dân sống ven bờ sông Mã có nguy cơ bị sạt lở, huyện Cẩm Thủy đã tuyên truyền về nguy cơ sạt lở đất bờ sông Mã và có cảnh báo để người dân nắm được thông tin. Nếu xảy ra mưa bão, UBND huyện Cẩm Thủy sẽ di rời người dân vùng nguy hiểm sang vị trí an toàn, để đảm bảo đời sống cho người dân.
Còn tại khu vực Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện biên giới Quan Sơn, nhiều năm qua các hộ dân sống dưới chân một quả đồi lớn, tình trạng sạt trượt đất đá chưa xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, đã xuất hiện một vết nứt trên đồi, đất đá sạt trượt xuống chân núi khiến hàng chục hộ dân sống trong cảnh thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão sắp cận kề.
Hiện UBND huyện Quan Sơn cử cán bộ kiểm tra, phát hiện trên đồi xuất hiện vết nứt dọc có chiều dài 300 m, rộng 3-7 cm, chiều dài sâu vào lòng đất. Ngoài ra, trên đồi có vết sụt lún đất ngang chiều cao 1-3 m, dài 200 m, rất dễ sạt lở khi mưa kéo dài. UBND huyện Quan Sơn đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở đất để người dân phòng tránh, theo dõi các vết nứt để kịp thời ứng phó khi mưa lớn xảy ra và xây dựng phương án di dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở.
Theo ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Huyện đã có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện dự án xây dựng các khu tái định cư tập trung. Trong thời gian tới, UBND huyện Quan Sơn kiến nghị UBND tỉnh và các bộ, ngành trung ương sớm bố trí vốn để xây dựng tái định cư này, qua đó giúp người dân ổn định đời sống”.
Tại huyện miền núi Như Thanh có 110 hộ sống trong khu vực nguy cơ ngập lụt khi mùa mưa bão về, trong đó chủ yếu là các hộ dân sống tại vùng thực hiện dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư, triển khai trên địa bàn 4 xã gồm Thanh Kỳ, Thanh Tân, (huyện Như Thanh) và xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống), xã Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn). Tuy nhiên, dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa thể bố trí vốn thực hiện tiếp, điều này đã ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh khu vực hồ Yên Mỹ.
Bà Lê Thị Hưng, thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết, do ảnh hưởng của lòng hồ Yên Mỹ, gia đình luôn gặp nhiều khó khăn khi mùa mưa bão về, nhiều hộ gia đình có kinh tế ổn định đã tự bỏ tiền mua đất, xây nhà tại khu vực khác. Còn gia đình bà do kinh tế khó khăn, nên không đủ kinh phí để di chuyển đến nơi ở mới. Thời gian tới, bà Hưng mong muốn chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ kinh phí để gia đình chuyển đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh cho biết: “Khu vực lòng hồ Yên Mỹ có 22 hộ đã di rời và tự mua nhà. Các hộ này đã có đơn kiến nghị không xây dựng khu tái định cư tập trung. Còn lại 88 hộ và UBND huyện Như Thanh đang triển khai xây khu tái định cư tập trung, để chuyển các hộ đến nơi ở mới theo quy định; đề nghị nhà nước sớm bố trí vốn, để hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân ở khu tái định cư lòng hồ Yên Mỹ.”
Những năm qua tỉnh Thanh Hóa liên tục chịu ảnh hưởng do thiên tai, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn, đời sống, sản xuất của nhân dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, ngoài các hộ dân đang sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất và lũ quét, tỉnh vẫn còn 32.889 hộ dân đang sinh sống ở khu vực ven sông, cần phải sơ tán khi có lũ và 40.944 hộ đang sinh sống ở khu vực ven biển và cửa sông cần phải sơ tán khi có bão.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên về lâu dài tỉnh cần có giải pháp di rời các hộ dân sống tại vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn, góp phần xây dựng khu vực nông thôn, miền núi ngày càng phát triển hơn.