Sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, anh Hà Văn Điệp (dân tộc Thái, ở bản Lát, xã Tam Chung) phải đi làm thuê khắp nơi mới có đủ tiền trang trải cuộc sống. Năm 2016, sau khi được Huyện đoàn Mường Lát tư vấn về phát triển kinh tế rừng, anh Điệp quyết định thực hiện mô hình trồng rừng kinh tế phòng, chống thiên tai. Anh vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Lát và từ bạn bè, người thân được 40 triệu để nhập các giống cây xoan, lát... về trồng, đồng thời nhập thêm giống lợn, gà, bò kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng.
Nhận thức rõ trên địa bàn huyện hay xảy ra những đợt mưa lũ, anh Điệp đã trồng rừng xoan, lát trên những quả đồi trọc để góp phần điều hòa nguồn nước, hạn chế xói mòn đất và lũ ống, lũ quét, đồng thời chăn nuôi dê, lợn, gà để tăng thêm thu nhập. Nhờ kiên trì, chịu khó, khu rừng trồng của anh ngày một phát triển với tổng diện tích khoảng 8 ha, số vật nuôi của gia đình anh cũng tăng lên với 5 con bò, 20 con lợn, 15 con dê. Thu nhập của gia đình đạt 200 triệu đồng/năm.
Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Điệp còn là một đoàn viên luôn năng nổ trong các hoạt động Đoàn của xã. Mỗi khi có đợt mưa bão, anh tham gia cùng lực lượng thanh niên trong xã giúp bà con gia cố nhà cửa để phòng, chống mưa lũ. Anh cũng luôn hướng dẫn nhiều thanh niên khác khởi nghiệp, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Anh Hà Văn Tình (dân tộc Thái), bản Chiền Cồng, thị trấn Mường Lát cũng là một người đi đầu trong phong trào trồng rừng, phòng, chống thiên tai tại địa phương. Sinh ra trong một gia đình sống ven bờ sông Mã, tuổi thơ anh đã chịu nhiều vất vả khi phải kiếm ăn từng bữa. Năm 2018, nhận thấy việc trồng rừng đã góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, anh Tình quyết định triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai.
Vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Lát, anh Tình sử dụng 7 ha đất để trồng một số loại cây như Xoan, Lát... khép kín bao phủ đồi trọc, kết hợp chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, mô hình trồng rừng gỗ lớn của anh ngày một phát triển, kết hợp với chăn nuôi bò, lợn, mang lại thu nhập 170 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, anh luôn tích cực tuyên truyền đến các đoàn viên, thanh niên khác trong xã chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng để phòng, chống thiên tai, hướng dẫn các thanh niên địa phương chuyển giao khoa học để cùng phát triển kinh tế rừng. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, anh tích cực tuyên truyền, vận động bà con sống tại khu vực biên giới đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn để phòng, chống dịch bệnh.
Theo Bí thư Huyện đoàn Mường Lát Lâu Văn Phía, trong giai đoạn 2017-2020, Huyện Đoàn Mường Lát đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng rừng. Đến nay, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đã trồng mới được gần 200 ha rừng, nhiều hộ do đoàn viên, thanh niên làm chủ, đã trồng rừng kinh tế có hiệu quả với thu nhập 80-200 triệu/năm. Thời gian tới, Huyện Đoàn Mường Lát tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn phát triển mô hình trồng rừng kinh tế và phòng, chống thiên tai, nhất các thanh niên người dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái tại các bản nghèo biên giới.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát, trên địa bàn đang có nhiều đoàn viên, thanh niên vay vốn để thực hiện mô hình trồng rừng, nhiều hộ thanh niên sau khi vay vốn đã thoát nghèo.
Ông Nguyễn Đức Thượng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát cho hay: Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát đã ủy thác cho các hội, đoàn thể vay vốn với dư nợ trên 208 tỷ, trong đó nguồn vốn dư nợ trong tổ chức Đoàn Thanh niên vay vốn phát triển kinh tế có dư nợ 43 tỷ với 1.000 hộ vay vốn, nhờ đó nhiều thanh niên được vay vốn đã phát triển kinh tế rừng đồi, xóa đói giảm nghèo.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 4.148 hộ ở 13 huyện có nguy cơ xảy ra lũ quét và 4.330 hộ thuộc 12 huyện có nguy cơ sạt lở đất. Việc Đoàn viên thanh niên huyện biên giới Mường Lát thực hiện mô hình trồng rừng kinh tế và phòng, chống thiên tai đang góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét, xóa đói giảm nghèo tại vùng cao.