Bí thư Thành ủy Sơn La Hà Trung Chiến cho biết: Thành phố Sơn La là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Sơn La, có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Thái chiếm 51,5%. Những năm qua, thành phố Sơn La đã có nhiều chủ trương lãnh đạo việc giữ gìn, phát huy bản sắc các dân tộc, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 và Đề án 04-ĐA/TU ngày 20/8/2020 của Thành ủy Sơn La xác định nhiệm vụ “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố, mang đậm bản sắc các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của cả nhiệm kỳ”.
Do đó, công tác quản lý văn hóa của thành phố Sơn La đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật. Nhiều sản phẩm văn hóa vật thể được chú trọng, trùng tu, bảo vệ và phát huy hiệu quả như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà ngục Sơn La, di tích lịch sử Cây đa Bản Hẹo, di tích Đền thờ Vua Lê Thánh Tông, công viên văn hóa Đông Xên, khu tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Lò Văn Giá…
Cùng với đó, thành phố Sơn La luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể mang tính truyền thống các dân tộc như: Duy trì, phát triển các điệu xòe Thái cổ; Giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; Phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống, trang phục truyền thống gắn với nghề thêu dệt thổ cẩm, ẩm thực; Tổ chức truyền dậy cho các thế hệ trẻ về các làn điệu dân ca, dân vũ; Giữ gìn nếp sống văn minh, nét đẹp trong ứng xử của cộng đồng dân tộc…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, phát triển văn hóa ở thành phố Sơn La như: Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa nhận thức một cách sâu sắc và chưa quan tâm một cách đầy đủ đối với lĩnh vực văn hóa; Văn hóa còn được hiểu và phát triển theo chiều hướng nặng về chức năng giải trí, thiên hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất; Việc phổ cập các tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, làn điệu dân ca của các dân tộc hiệu quả chưa cao…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa đã phân tích, làm rõ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thành phố Sơn La và đánh giá thực trạng việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc thành phố Sơn La. Các nhiệm vụ, giải pháp giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của các dân tộc thành phố Sơn La được đề cập đến như: phát huy các giá trị di tích văn hóa, lịch sử; giữ gìn tiếng nói, chữ viết; phổ cập các tác phẩm văn học nghệ thuật, các làn điệu dân ca, dân vũ; phục dựng các lễ hội truyền thống…
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Mai chia sẻ, làn điệu hát dân ca Thái Sơn La gồm: hát có đệm các nhạc cụ pi, si so lo, khèn bè, tính táu; hát đơn một mình; hát đối đáp giao duyên; hát đơn có đông người cùng nghe. Các làn điệu dân ca Thái Sơn La rất phong phú, đa dạng, nhưng mọi hình thức thể hiện đều phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu đó, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần có những giải pháp thiết thực bảo tồn, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca này. Mở các lớp để truyền dạy cho thế hệ trẻ biết giá trị hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình và không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Nhà giáo ưu tú Trần Luyến, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho rằng, để phát triển sự nghiệp văn hóa phù hợp với tình hình, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thành phố Sơn La cần tiếp tục giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc hiện có; phục dựng, duy trì lễ hội truyền thống; giữ gìn, bảo tồn trang phục truyền thống gắn với phục dựng làng nghề thêu, dệt thổ cẩm; phát triển văn hóa ẩm thực các dân tộc; phát triển dân ca, dân vũ…
Để giữ gìn, phát huy có hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thành phố Sơn La, trong thời gian tới, địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; giữ gìn truyền thống tốt đẹp của bản, làng, gia đình, dòng họ; xây dựng các đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, hiệu quả; tổ chức, giao lưu văn hóa các dân tộc nhân các ngày lễ, hội; phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc…