Thừa Thiên - Huế phát triển bền vững vùng trồng cam Nam Đông

Xác định cam là cây trồng chủ lực, thời gian qua huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chính sách ưu tiên trong quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh sản xuất theo hướng VietGAP và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập và đời sống cho đồng bào nơi đây.

Chú thích ảnh
Thu hoạch cam Nam Đông. 

Gia đình ông Đặng Trợ, xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông hiện có 2 ha chuyên canh trồng cam cho thu hoạch trung bình từ 15 - 20 tấn/năm. Ông Trợ cho biết, từ năm 2008, gia đình bắt đầu thử nghiệm trồng cam. Nhận thấy cây cam phù hợp với đất trang trại nhà mình, ông tập trung đầu tư, phá bỏ vườn tạp mở rộng diện tích, đến nay 2 ha cam đã cho thu hoạch. Cây cam dễ trồng, sau 4 năm là cho thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi năm thu nhập từ vườn cam đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
 
Để nâng cao năng suất và phát triển thương hiệu cam Nam Đông một số chủ  vườn trên địa bàn đã thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và đầu tư sản xuất theo hướng quy mô lớn, sản phẩm an toàn. Điển hình như gia đình anh Phan Gia Bảo, xã Hương Xuân trồng 4 ha cam theo hướng hữu cơ.
 
Anh Bảo chia sẻ, ngoài việc đầu tư hệ thống nước tưới tự động, quá trình chăm sóc, gia đình anh chỉ sử dụng phân chuồng để bón cây, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nhằm xây dựng thương hiệu cam "sạch". Năm nay, nhiều gốc cam mới ra lứa đầu nên sản lượng đạt khoảng 40 tấn, qua năm sau thì có thể đạt từ 60 - 70 tấn.
 
Ước tính, mỗi ha cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Để kéo dài mùa vụ, anh cũng trồng nhiều giống cam có thời gian sinh trưởng khác nhau để thu hoạch sản phẩm cung cấp cho thị trường từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau thay vì chỉ thu hoạch trong tháng 9 và 10 như nhiều hộ khác.
 
Huyện Nam Đông hiện có hơn 200 ha cam, tập trung ở các xã Hương Phú, Hương Xuân, Hương Lộc, Thượng Quảng; trong đó, có khoảng 110 ha đang cho thu hoạch, ước tính sản lượng hằng năm khoảng 1.100 tấn.  Giống cam Nam Đông có chất lượng vượt trội, thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Năm 2019 cây cam ở Nam Đông đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận "Nhãn hiệu tập thể cam Nam Đông". Việc dán tem tuy xuất nguồn gốc cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ. Nhờ vậy, sản phẩm cam Nam Đông đã có mặt tại thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa...

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng chọn mua cam Nam Đông.

Tuy nhiên, việc phát triển cây cam ở Nam Đông còn thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng với tiềm năng năng suất; bên cạnh đó, chất lượng các vườn cam không đồng đều, mẫu mã chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; việc liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn... Đặc biệt năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cam dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với mọi năm. Nhiều vườn cam không chủ động được đầu ra.
 
Ông Trần Công Thành, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông Nghiệp huyện Nam Đông cho biết, cam là cây trồng chủ lực của huyện, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn. Giai đoạn 2021-2025, huyện Nam Đông chủ trương phát triển diện tích trồng cam lên đến 550 ha.
 
Thời gian tới song song với việc mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, huyện Nam Đông chú trọng hình thành các hợp tác xã, tổ liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.
 
Để phát triển đặc sản cam Nam Đông theo hướng bền vững, tháng 6/2021 huyện Nam Đông phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung Bộ triển khai dự án "Xây dựng mô hình sản xuất cam Nam Đông theo tiêu chuẩn VietGAP" với mục tiêu hoàn thiện  quy trình trồng mới và sản xuất cam Nam Đông an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ nông dân tham gia dự án. Từ đó, nhân rộng mô hình tại các địa phương có điều kiện thời tiết tương tự.
 
Dự án tập trung vào giải pháp quy hoạch vùng trồng thâm canh theo hướng hàng hóa; từng bước áp dụng quy trình sản xuất cam theo VietGAP để tạo vườn cam sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, sản phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường liên kết, khâu nối với các thương lái, các cửa hàng và các siêu thị trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, tuyên truyền đến doanh nghiệp và người sản xuất phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng, liên doanh, liên kết trong các khâu sản xuất, xã hội hóa đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)
Người tiên phong trồng cam ghép trên gốc bưởi đạt hiệu quả cao
Người tiên phong trồng cam ghép trên gốc bưởi đạt hiệu quả cao

Anh Nguyễn Văn Vĩnh ở thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được người dân trong thôn gọi là “tỷ phú” trồng cam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN