Hội nghị có sự tham gia của 62 doanh nghiệp Lào Cai, 105 doanh nghiệp trên cả nước cùng 80 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Trung Quốc. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động của Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023 cũng như chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia của Việt Nam nhằm mang lại cho các tổ chức, doanh nghiệp những thông tin bổ ích và kết nối doanh nghiệp hai bên xuất, nhập khẩu các mặt hàng qua Lào Cai và Hà Khẩu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai Nguyễn Trường Giang nêu rõ, với vị trí địa kinh tế là "cầu nối", là "cửa ngõ" của Việt Nam và các nước ASEAN sang thị trường tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc, cùng với lợi thế về hệ thống cửa khẩu biên giới đa dạng, hệ thống các trung tâm logistics thuận lợi của tỉnh Lào Cai, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu hai bên luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20% trong giai đoạn 2010-2019.
Giai đoạn 2020 - 2023, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên hoạt động xuất, nhập khẩu có phần chững lại, tuy nhiên vẫn duy trì tốt hoạt động thông quan tại cửa khẩu với giá trị xuất nhập khẩu hàng năm đạt trung bình từ 3,5 tỷ USD.
Khẳng định vai trò, trách nhiệm của Lào Cai đối với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại qua các cửa khẩu giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trong thời gian tới, Lào Cai cam kết sẽ xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp khi có phản ánh; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, xây dựng địa phương trở thành "Điểm đến hấp dẫn" thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung.
Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Hạo Nhất Sơn nhấn mạnh, tỉnh Vân Nam sẵn sàng hợp tác với lãnh đạo và doanh nhân Việt Nam để cùng thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà lãnh đạo hai bên đã đạt được; tiếp tục tăng cường giao lưu trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp và kết nối liên thông; tạo thị trường và cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp hai bên; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Vân Nam và Việt Nam lên tầm cao mới.
Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam đề nghị hai bên khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hợp tác trong các chuỗi công nghiệp và cung ứng, mở rộng các cụm công nghiệp.
"Chúng tôi hỗ trợ các doanh nghiệp Vân Nam mở rộng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là trái cây nhiệt đới, nông sản, khoáng sản và các mặt hàng khác, đồng thời hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tích cực thăm dò thị trường rộng lớn ở Vân Nam, thậm chí cả Trung Quốc để mở rộng khối lượng giao thương", Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam nhấn mạnh.
Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng với quy mô dân số là 47 triệu người, nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với Vân Nam còn chưa xứng với tiềm năng của hai bên. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Vân Nam mới chỉ đạt 3,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Vân Nam còn rất lớn.
Vì vậy, để tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài đề xuất hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực chất và hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam thông qua việc xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều hình thức đa dạng nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp; qua đó thúc đẩy hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp hai bên, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.