Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, để việc chuyển đổi hiệu quả và bền vững, ngành nông nghiệp đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi theo quy hoạch để đảm bảo điều kiện về hệ thống hạ tầng; khuyến cáo người dân không ồ ạt chuyển đổi tự phát tránh cung vượt cầu, giá cả xuống thấp.
Người dân chuyển đổi cần đăng ký, tổ chức sản xuất chuyển đổi thành vùng tập trung để đồng bộ về giao thông, thủy lợi. Đồng thời, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất tập trung, dễ tiếp cận khoa học kỹ thuật và tìm thị trường tiêu thụ.
Ngành nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách chuyển đổi sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn liên quan đến chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa. Các ngành liên quan cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản chính của tỉnh.
Năm 2024, tỉnh Trà Vinh chuyển đổi 1.146 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác; trong đó, trồng cây hàng năm trên 524 ha, cây lâu năm 601 ha, còn lại trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết thêm, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, thời gian qua, hầu hết diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm cho hiệu quả kinh tế tăng từ 2-3 lần so với trước khi chuyển đổi; trồng cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế tăng 3-4 lần…
Tuy vậy, việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn khó khăn do một số hộ không muốn thay đổi thói quen, tập quán canh tác, e ngại kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi mới, lo lắng đầu ra nông sản.