Một trong những mô hình mang lại dấu ấn là hỗ trợ sinh kế theo nhu cầu thực tiễn của người dân đã được các cấp chính quyền địa phương thành phố Pleiku triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các xã, phường cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ sinh kế. Tính đến nay, đã có 104 hộ nghèo, 135 hộ cận nghèo và 25 hộ mới thoát nghèo; trong đó, có 178 hộ đồng bào thiểu số được hỗ trợ lợn giống, bò cái lai sinh sản, các thiết bị sản xuất như máy cắt cỏ, máy bơm nước, máy phun thuốc, máy xới đất... với tổng kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Trưởng phòng Kinh tế thành phố Pleiku Trần Tấn Quang, dự án trao sinh kế này nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố Pleiku đã được triển khai ngay khi có nguồn vốn. Dự án này không chỉ giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế phù hợp mà còn trang bị thêm các thiết bị sản xuất để cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và làm thuê tạo thêm thu nhập cải thiện đời sống.
Tại xã Chư Á, một trong những địa phương có tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số chiếm đến 78%, tỷ lệ hộ nghèo gặp khó khăn về kinh tế còn cao. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thu Hương, cho biết cuối năm 2021, xã vẫn còn tới 55 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo. Để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, chính quyền địa phương đã ưu tiên tận dụng mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án, mô hình sinh kế để hỗ trợ người dân sản xuất và kinh doanh.
Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2023, xã đã cấp 42 con bò cho các hộ nghèo, hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề nghiệp cho 10 hộ và cho 8 hộ vay vốn ưu đãi. Riêng năm 2024, xã đã phối hợp với Ngân hàng chính sách cho vay ưu đãi 8 hộ với tổng số tiền 330 triệu đồng. Nhờ đó, tính từ đầu năm 2023 đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại xã đã giảm từ 2,14% xuống còn 1,58%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 2,27% xuống còn 1,78%.
Câu chuyện về gia đình bà H’Sák, sinh năm 1963 ở làng Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku cũng là một minh chứng tiêu biểu cho sự thành công của mô hình hỗ trợ sinh kế. Nhờ được hỗ trợ một con bò lai sinh sản từ "Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" vào năm 2022, gia đình bà H’Sák đã có cơ hội phát triển chăn nuôi và cải thiện đáng kể cuộc sống.
Bà H’Sák chia sẻ, gia đình bà có bảy thành viên, sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu dựa vào thu nhập chính từ việc làm thuê. Ngoài ra, còn phải chăm sóc em chồng bị bại liệt bẩm sinh và gánh vác thêm nỗi lo khi chồng vừa mới qua đời cách đây không lâu do bệnh tật. Sau khi nhận bò và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến tháng 6/2024, bà H’Sák đã thành công trong việc gây đàn và có thêm một bê con ra đời. Điều này đã mang lại nềm vui và mở ra hy vọng mới cho gia đình bà trong hành trình thoát nghèo.
Cũng nhờ có mô hình hỗ trợ sinh kế, gia đình anh Rmah Chai ở làng Kuái, xã Ia Blang, huyện Chư Sê mới có cơ hội thụ hưởng và nâng số lượng đàn dê của mình lên 6 con. Anh Chai vui mừng cho biết, trước đây, do thiếu vốn đầu tư và đất sản xuất nên gia đình anh cứ luẩn quẩn trong đói nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, gia đình anh được cấp 2 cặp dê sinh sản trị giá 12 triệu đồng, cùng với hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau một thời gian chăm sóc, hai cặp dê đã sinh thêm 2 dê con, gia đình anh rất phấn khởi với mong muốn giảm bớt khó khăn.
Ông Nguyễn Viết Quyền, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Ia Blang cho biết: Với 25% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền xã đặc biệt chú trọng việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và tình hình sản xuất của từng hộ dân để triển khai các mô hình sinh kế cho phù hợp. Hiện tại, xã đã triển khai hai mô hình sinh kế gồm hỗ trợ đàn dê và xây dựng vườn rau sạch cho các hộ nghèo. Những mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các hộ nghèo tạo ra nguồn thu nhập ổn định, từ đó có động lực lao động vươn lên thoát nghèo.
Theo bà Rcom Sa Duyên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách giảm nghèo đã được tỉnh triển khai một cách đồng bộ và lồng ghép hiệu quả với các nguồn lực xã hội khác. Điều này đã tạo ra những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã phát huy tính sáng tạo đưa những mô hình hay, phù hợp vào thực tiễn cuộc sống, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế hiệu quả đã được hình thành, tạo ra những cơ hội mới cho người nghèo.
Tính đến cuối năm 2023, tỉnh còn hơn 31.500 hộ nghèo, chiếm hơn 8%; hộ cận nghèo gần 36.000 hộ, chiếm hơn 9%; trong đó hơn 28.000 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 17%. Số liệu này phản ánh những thách thức và động lực để tỉnh Gia Lai tiếp tục nỗ lực giảm nghèo trong thời gian tới.