Việc tạm dừng các bến đò là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp tại các địa phương lân cận có tuyến đường thủy nội địa giáp với thành phố Cần Thơ.
Theo đó, các bến phải tạm dừng gồm: Cần Thơ - thị xã Bình Minh, Cồn Khương - Bình Tân, Cô Bắc - Chòm Yên, Khu Công nghiệp Trà Nóc - Tân Bình, Cái Chôm - Xéo Lá, Rạch Nọc - Xã Hời. Thời gian tạm dừng từ 0 giờ ngày 4/7 cho đến khi có thông báo mới.
Riêng các trường hợp chở bệnh nhân đi khám, chữa bệnh hoặc cấp cứu thì các bến đò ngang vẫn được phép hoạt động bình thường.
Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Sở để tăng cường kiểm tra, giám sát việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách.
Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý thống kê số lượng công nhân có nhu cầu đi lại tại các bến đò nêu trên tử các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp qua thành phố Cần Thơ để tổ chức các phương án vận chuyển hợp lý, đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, yêu cầu công nhân không di chuyển bằng các phương tiện thủy nội địa khác vượt sông Hậu qua thành phố Cần Thơ.
Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải cũng yêu cầu chủ các bến đò thông tin kịp thời cho hành khách về việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Chủ bến đò bố trí sẵn sàng phương tiện để phục vụ trong trường hợp chở bệnh nhân đi khám, chữa bệnh và cấp cứu. Trong quá trình di chuyển qua sông, lái xe và người phục vụ đi cùng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Trước đó, từ 0 giờ ngày 2/7, thành phố Cần Thơ cũng tạm dừng các bến đò, bến phà nối Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp. Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, trên các tuyến đường thủy giữa Cần Thơ với các địa phương giáp ranh, người dân qua lại lao động rất nhiều.
Để giải quyết vấn đề này, Cần Thơ đã thực hiện giải pháp cho lao động ngoài tỉnh đến Cần Thơ làm việc ở trọ lại tại các nhà trọ trên địa bàn nhằm kiểm tra, kiểm soát, không để người dân qua lại trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp.