Theo đó, việc cắt điện tại chợ đã được các cơ quan chức năng thông báo đến tiểu thương từ tháng 12/2020 và phát liên tục trên hệ thống loa phát thanh trong những ngày qua. Cùng với đó, Ban Quản lý chợ Đầm dừng thu phí bảo vệ, phí thuê lô, sạp đối với các hộ kinh doanh ở chợ Đầm tròn và chỉ bố trí người bảo vệ tài sản, an ninh trong khu vực.
Ghi nhận của phóng viên sáng 5/3, sau khi bị ngắt điện ở chợ Đầm tròn, nhiều tiểu thương vẫn mở cửa bán hàng. Họ tự sử dụng các loại đèn điện năng lượng để thắp sáng cho sạp hàng và có rất ít khách hàng ghé mua sản phẩm.
Chị Lê Thụy Kim Uyên, chủ sạp vải chợ Đầm tròn cho biết, những ngày này, cửa hàng chị buôn bán ế ẩm, tuy nhiên chị chưa có ý định di dời do chưa nhận được phương án bồi thường thích hợp từ các đơn vị có liên quan.
Trước phản ứng của các tiểu thương khi tự thắp điện sáng để kinh doanh, có khả năng gây mất an toàn cháy nổ, UBND thành phố Nha Trang vẫn duy trì phương án tuyên truyền, vận động và yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện việc bố trí sắp xếp các hộ kinh doanh vào kinh doanh vào chợ Đầm mới.
Về lâu dài, nếu các tiểu thương tiếp tục không hợp tác, UBND thành phố sẽ tiến hành theo các phương án, kế hoạch đã đề ra. “Không thể để sự nhếch nhác ngay trung tâm thành phố như vậy. Bởi khi du lịch của tỉnh phục hồi, hình ảnh này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu thành phố Nha Trang - đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước”, quyền Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh nhấn mạnh.
Theo thông tin đã đưa, chợ Đầm tròn được khánh thành đưa vào sử dụng năm 1974, cao hai tầng, với kiến trúc hình tròn, mái xếp chữ V, tượng trưng cho hoa sen thuần khiết. Đây trở thành địa điểm thu hút du khách khi đến Nha Trang. Hơn 40 năm hoạt động, do chợ đã xuống cấp, quy mô không đáp ứng được quy hoạch của chung của thành phố nên UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho xây lại chợ mới nằm bên cạnh chợ cũ.
Tháng 8/2013, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Sông Đà Nha Trang thực hiện dự án chợ Đầm Nha Trang. Khu chợ mới rộng hơn 21.000 m2 với ba tầng. Khi xây dựng chợ mới xong đã có 1.000 trong tổng số 1.200 tiểu thương đồng ý di dời, số còn lại vẫn còn ở lại chợ cũ buôn bán do chưa đạt được thỏa thuận với đơn vị chủ quản Dự án chợ Đầm mới.
Theo quy hoạch, chợ Đầm tròn sẽ bị dỡ bỏ để xây quảng trường, vườn hoa, sân bãi. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương không đồng thuận di dời, kiến nghị tỉnh và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giữ lại để tôn tạo làm trung tâm triển lãm và quảng bá tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh, với điều kiện không cho tiếp tục kinh doanh tại khu vực này (thông báo số 440/TB-UBND ngày 6/8/2015). Do đó dẫn đến việc, hiện nay vẫn còn tồn tại song song chợ Đầm tròn và chợ Đầm mới, khiến việc di dời tiểu thương từ chợ cũ sang chợ mới kéo dài trong suốt 6 năm qua.