Nghị quyết được ban hành nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tỉnh quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.
Nghị quyết của Tỉnh ủy Khánh Hòa xác định địa phương sẽ ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước tăng ít nhất 1,5 lần so với giai đoạn 2016 – 2020 để đầu tư thực hiện chương trình; đồng thời lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác đang thực hiện để đầu tư có hiệu quả cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua chương trình, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2025, đưa mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (trên 28 triệu đồng/người/năm) và giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm từ 4-5%.
Theo đó, Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của từng địa phương; tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Tỉnh nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo ra sản phẩm đặc sản của từng địa phương có giá trị cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa. Tỉnh quan tâm phát triển du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích xây dựng, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ... góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển sản xuất phù hợp với từng địa phương; phát triển đồng bộ về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt…
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Khánh Hòa, qua 10 năm triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (2011 – 2020), cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nơi đây từng bước được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Nhiều mô hình hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả được triển khai và nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn; tiềm năng, thế mạnh của từng vùng chưa được phát huy; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao, chất lượng cuộc sống còn rất thấp…
Khánh Hòa có 35 dân tộc thiểu số đang sinh sống, với trên 72 nghìn người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Raglai chiếm trên 77%. Phần lớn người dân cư trú tại hai huyện miền núi Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh và một số xã miền núi thuộc các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh.