Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 1999-2019, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 89 trận lũ và chịu ảnh hưởng của 175 cơn bão, 102 áp thấp nhiệt đới. Thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra rất lớn, với 516 người chết và mất tích, 1.458 người bị thương, 8.922 căn nhà bị sập đổ, cuốn trôi. Ngoài ra, thiên tai cũng làm hơn 87.400 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng, 566 tàu cá bị chìm…, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sản xuất của người dân.
Huyện Bình Sơn là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt bão, lũ. Trước thực tế trên, lãnh đạo huyện đã nhìn nhận, đánh giá tổng thể nguyên nhân, mặt hạn chế trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Qua đó, địa phương xác định đâu là “nút thắt” cần tháo gỡ.
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn thừa nhận, công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá tình hình dân cư, dân sinh và nhà ở, các công trình sơ tán dân, lực lượng, phương tiện, trang thiết bị còn thiếu cụ thể, chi tiết. Việc thông tin tuyên truyền, cảnh báo có lúc chưa kịp thời. Công tác báo cáo tình hình và xác nhận thiệt hại do thiên tai gây ra tại một số địa phương còn chậm, dẫn đến việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiếu kịp thời…
Theo ông Khiêm, để phòng chống thiên tại hiệu quả phải thực hiện tốt phương châm “Phòng tránh là chính, tự cứu mình là chính”, phải lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương; công khai phương án, kế hoạch đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết để tạo sự đồng thuận, thống nhất.
“Chúng tôi tận dụng triệt để công nghệ thông tin, nhất là việc kết nối các nhóm zalo trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Phương án này đem lại hiệu quả, góp phần giúp công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo bão, lũ được chính xác, kịp thời”, ông Khiêm chia sẻ.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đồng hành cùng cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, xem đó là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách nhằm hướng tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.
Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 96/KH- UBND đề ra nhóm giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện quyết liệt. Cụ thể, tỉnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong cộng đồng.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung còn tồn tại, bất cập để đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Địa phương thực hiện lồng ghép nội dung về phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở từng cấp, ngành.
Quảng Ngãi cũng đặt yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở vị trí quan trọng trong quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với đặc điểm địa phương và xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Tỉnh nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai kịp thời, nhất là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học sát với thực tế, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong theo dõi, cảnh báo thiên tai, giám sát trực tuyến...
Ông Võ Quốc Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, việc nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới cũng là một giải pháp tối ưu mà địa phương hướng đến.
Được biết, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao nhận thức, năng lực phòng, chống thiên tai cho chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư ở khu vực có rủi ro thiên tai cao.