Ngày Phòng, chống thiên tai Việt Nam 22/5: Nâng cao một bước công tác tuyên truyền, cảnh báo

Hằng năm, tỉnh Yên Bái thường xuyên phải đối mặt với lũ quét, lốc xoáy, mưa đá và sạt lở đất gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản.

Ðể giảm thiệt hại, nhiều phương án chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đã được tỉnh đề ra với phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng”.

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường trong thành phố Yên Bái chìm trong biển nước sau trận mưa lớn kéo dài từ đêm 18 đến sáng 19/8/2020. Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh xuất hiện 19 đợt thiên tai do dông lốc, mưa đá, mưa lớn và ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 và số 7. Thiên tai đã làm cho 2 người chết, 16 người bị thương và gây thiệt hại gần 7.800 nhà ở; gây thiệt hại hàng nghìn ha sản xuất nông nghiệp, làm hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

Trước những bài học rút ra từ thiệt hại của năm 2020 và dự báo thiên tai có thể xảy ra trong năm 2021, ngay từ đầu mùa mưa bão, tỉnh Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh trong nhiều tình huống bất thường, cực đoan của thời tiết, nhất là trong thời gian tổ chức bầu cử, cũng như trong tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Nâng cao một bước công tác tuyên truyền, cảnh báo

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Theo ông Phạm Quốc Hưng - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trong năm 2021 tỉnh tập trung nâng cao một bước cho việc tuyên truyền, làm cho người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong công tác ứng phó sự cố thiên tai, cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn.

Cũng theo ông Hưng, Yên Bái đã chú trọng tổ chức diễn tập tại cơ sở nhằm củng cố trình độ ứng phó tình huống của người dân và năng lực điều hành của lãnh đạo địa phương. Trong năm nay huyện Văn Chấn sẽ được lựa chọn để tổ chức diễn tập điểm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Quân khu II, qua đó, người dân chủ động hơn trong việc phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai với phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng”, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khả năng hỗ trợ từ bên ngoài sẽ rất hạn chế.

Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, hướng chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ cảnh báo sớm cùng các cơ quan chuyên môn. Theo đó, người dân được hướng dẫn sử dụng và trang bị đầy đủ các thiết bị cảnh báo sớm, như: thiết bị thông tin liên lạc; thiết bị đo mưa thủ công; xây dựng các tháp báo lũ; trang bị bản đồ thiên tai và những điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai của địa phương cơ sở.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có trạm đo mưa, trong đó 30 trạm đo tự động; 5 trạm đo thủy văn, 1 trạm đo cảnh báo lũ sông Hồng và có 2 hệ thống cảnh báo sớm lũ quét đặt tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Tất cả đang được các cơ quan chuyên môn sử dụng, vận hành có hiệu quả.

Công tác dự báo, cảnh báo được phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn với các cơ quan chuyên môn trước những diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thời tiết. Theo cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, thời điểm đầu mùa mưa khu vực Tây Bắc (trọng tâm là địa bàn tỉnh Yên Bái) diễn ra trong khoảng tháng 4 đến hết tháng 9, lúc này thường xảy ra hiện tượng dông lốc, mưa đá cực đoan kèm theo mưa to đến rất to gây lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá, nhất là khu vực có địa hình độ dốc cao và thảm phủ thực vật yếu. Do vậy, các địa phương cần cảnh báo sớm đến người dân và có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với thiên tai có thể xảy ra.

Chủ động “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”

Chú thích ảnh
Đập thủy điện Khau Mang Thượng, xã Khau Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh minh họa: Việt Dũng/TTXVN

Ngay từ đầu năm tỉnh Yên Bái đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công nhiệm vụ, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, cho mỗi thành viên. Theo đó, mỗi thành viên phải trực tiếp đến địa bàn phụ trách để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, tỉnh tổ chức lực lượng, triển khai công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương án đã lập để sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái quán triệt và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; yêu cầu các sở, ngành, địa phương xây dựng phương án phòng, chống thiên tai của mỗi đơn vị. Trong mọi tình huống thiên tai tỉnh đều có sẵn phương án xử lý phù hợp, không để bị động, bất ngờ và sát với tình hình thực tế của mỗi địa phương, đơn vị với phương châm “3 sẵn sàng”, đó là: phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, hiệu quả.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, cho biết, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được UBND tỉnh phê duyệt ứng với mọi tình huống thiên tại mỗi thời điểm cụ thể, bao gồm các tình huống như: áp thấp nhiệt đới và bão; mưa lớn, lũ, ngập lụt; lũ quét, lũ ống; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy; lốc, sét, mưa đá. Mỗi tình huống thiên tai đều được đánh giá cấp độ rủi ro, từ đó đều có phương án chuẩn bị lực lượng ứng cứu và phương tiện, trang thiết bị ứng cứu phù hợp.

Để đưa ra các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với thực tế, công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai được các cơ quan chuyên môn của tỉnh Yên Bái thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt là công trình như: đê điều, hồ chứa, đập thủy lợi, thủy điện, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước, các điểm kè xung yếu. Tại mỗi địa điểm đều sẵn sàng phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng.

Trong đó, phương án di dời dân, đảm bảo nơi ở an toàn cho người dân trước, trong và sau thiên tai, cũng như tổ chức cuộc sống cho người dân luôn được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng. Cùng với việc vận dụng thành thạo và phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, người dân và chính quyền địa phương chủ động phòng, chống hiệu quả đối với mọi tình huống thiên tai, ứng phó kịp thời sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mỗi khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Tiến Khánh (TTXVN)
Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai
Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai (22/5/1946 - 22/5/2021), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, tổ chức hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2021, với chủ đề "Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN