Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện thêm các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Từ ngày 12 - 17/8, tỉnh Quảng Trị có thêm 6 ca dương tính với bệnh hầu, nâng tổng số người nhiễm bạch hầu tại địa phương lên 20 người. Tính đến ngày 14/8, tỉnh Đắk Lắk có 33 người dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 13 xã của 5 huyện.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu trên địa bàn nhiều tỉnh, ngày 18/8, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3593/QĐ-BYT về “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu”. Nội dung quyết định cung cấp chi tiết, đầy đủ các thông tin về bệnh bạch hầu cũng như cách phòng tránh bệnh.
Bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, chủ yếu xuất hiện ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm, với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng khi mắc bệnh bạch hầu chủ yếu là sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%.
Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng. Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Một số trường hợp đã ghi nhận người mang vi khuẩn mãn tính trên 6 tháng. Điều trị kháng sinh đặc hiệu sẽ nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh và chấm dứt sự lây truyền.
Hiện nay đã có vắc xin và kháng sinh đặc hiệu để phòng, điều trị bạch hầu. Tuy nhiên, đây là vắc-xin giải độc tố bạch hầu nên chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm vi khuẩn tại chỗ ở vùng hầu, họng, do vậy không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc xin.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Miễn dịch cơ thể có được sau mắc bệnh bạch hầu thường bền vững. Sau tiêm vắc-xin liều cơ bản, miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.
Đáng lưu ý là sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao. Vi khuẩn bệnh chịu được điều kiện khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhày bảo vệ. Trên đồ vải như chăn, màn, quần áo, gối, vi khuẩn bạch hầu có thể sống được 30 ngày; trên cốc, chén, thìa, bát đũa, đồ chơi có thể sống được vài ngày; trong sữa, nước uống sống 20 ngày; trong tử thi sống được 14 ngày. Tuy nhiên, vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa học. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn bạch cầu sẽ bị giết chết sau vài giờ. Nhiệt độ 58 độ C, vi khuẩn bạch cầu sống được 10 phút và bị giết chết nhanh chóng ở nhiệt độ sôi. Vi khuẩn này dễ bị tiêu diệt bởi các hoá chất khử trùng thông thường.
Để phòng, chống bệnh bạch hầu người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế. Cụ thể, mọi người cần tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc, nghi ngờ mắc bệnh để giảm nguy cơ mắc bạch hầu. Giữ gìn vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng, đồng thời đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Để hạn chế bệnh bạch hầu lây lan trong cộng đồng, người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.