Từ tháng 5/2022 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ diễn biến bất thường và ghi nhận trên 18.000 ca mắc tại khoảng 80 quốc gia, trong đó có ít nhất 10 trường hợp tử vong. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ theo tinh thần “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch và bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, chủ động tham gia công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ ngay tại cửa khẩu, cơ sở khám, chữa bệnh và trong cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, điều trị kịp thời người mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Cùng với đó, Sở Y tế theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời. Đặc biệt, lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.
Sở chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức diễn tập theo các tình huống để đáp ứng kịp thời trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực để triển khai biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị trường hợp mắc bệnh; tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả, phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh đậu mùa khỉ.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lai Châu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế truyền thông bằng nhiều hình thức, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với các cấp chính quyền chủ động, tích cực vận động người dân tham gia hoạt động phòng, chống dịch...
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh này lây truyền từ động vật sang người khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, thịt, dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh; lây truyền từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Bệnh có biểu hiện, triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to. Các triệu chứng thường gặp như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Các triệu chứng thường tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần, tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh thường từ 6 - 13 ngày nhưng có thể dao động từ 5 - 21 ngày.
Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ chưa xuất hiện trên địa bàn nhưng ngành Y tế Lai Châu khuyến cáo người dân không chủ quan với bệnh. Người dân chủ động thực hiện các biện pháp như, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Khi phát hiện người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn, điều trị kịp thời.