Đây là nhận định của một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức đưa ra trong bối cảnh dư luận lo ngại về cách thức Facebook sử dụng các thông tin từ các tài khoản của mạng xã hội này sau vụ bê bối lộ thông tin của 87 triệu tài khoản.
Biểu tượng Facebook trên màn hình máy tính. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời phỏng vấn tờ báo Bild ngày 23/4, người phát ngôn về chính sách kỹ thuật số đảng CDU, nghị sĩ Thomas Jarzombek nhận định số người sử dụng Facebook đã đạt mức tới hạn và khiến cạnh tranh trở nên bất khả thi.
Theo nghị sĩ này, mọi người chỉ sử dụng những mạng xã hội mà bạn bè họ sử dụng, đây là một trở ngại quá lớn đối với bất kỳ đối thủ cạnh tranh mới nào với Facebook, mạng xã hội hiện có hơn 2 tỷ người trên thế giới sử dụng và tại Đức là khoảng 30 triệu người.
Nghị sĩ Jarzombek cho rằng các thành viên của các mạng xã hội khác nhau nên được cho phép liên lạc với nhau qua các ứng dụng gửi tin nhắn, yêu cầu kết bạn hay chia sẻ ảnh và video mà không phải đăng ký tất cả các mạng xã hội. Điều này cũng tương tự như mạng điện thoại khi những người sử dụng các mạng viễn thông khác nhau vẫn có thể nhắn tin, gọi điện hay gửi thông tin cho nhau.
Khoảng 2,7 triệu người dân EU nằm trong số 87 triệu người sử dụng Facebook có thể bị lộ thông tin cá nhân cho hãng tư vấn chính trị Cambridge Analytica. Vụ bê bối lộ thông tin này không chỉ khiến Facebook chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Mỹ, Anh và châu Âu, mà còn đối mặt với làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trên toàn thế giới. Giới chức châu Âu, trong đó có cả Đức, đã phản ứng mạnh khi sự thực này được phơi bày và yêu cầu Facebook có trách nhiệm phù hợp với người dùng.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Tư pháp và bảo vệ người tiêu dùng Đức Katarina Barley đã gọi Facebook là mạng lưới không minh bạch, nơi sự tin tưởng của người dùng bị lợi dụng cho các lợi ích thương mại.
Tháng 3 vừa qua, cơ quan giám sát cạnh tranh Đức cũng cho biết đang tiến hành điều tra Facebook vì hành vi thu thập quá đà và sử dụng thông tin từ các nguồn bên ngoài hệ thống, nhắm vào việc thu thập thông tin thông qua các hành động bấm nút "Like" của người sử dụng.
Trước đó, một tòa án Đức đã ra lệnh cho Facebook thay đổi một số cài đặt về quyền riêng tư và điều khoản sử dụng, bao gồm luật yêu cầu người sử dụng phải dùng tên thật. Theo các thẩm phán, người dùng Facebook có ít lựa chọn về cách thông tin của họ bị sử dụng.
Ngoài ra, từ ngày 1/1, bộ luật mới có hiệu lực đã yêu cầu các mạng xã hội lớn gỡ bỏ các bình luận mang tính miệt thị, thù ghét hoặc những nội dung vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ nếu không sẽ phải đối mặt với mức án phạt lên tới 50 triệu Euro (tương đương với 57 triệu USD).