Biểu tượng Facebook. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong trường hợp Facebook không thực hiện yêu cầu lưu cơ sở dữ liệu về người sử dụng là người Nga trên lãnh thổ Nga thì sẽ đối mặt với nguy cơ sẽ bị phong tỏa.
Người đứng đầu Roskomnadzor Aleksander Zharov cho biết, hiện có một số yêu cầu với Facebook như địa phương hóa cơ sở dữ liệu người sử dụng trên lãnh thổ Nga, gỡ bỏ tất cả các thông tin bị cấm, tuân thủ một số luật khác. Nếu những yêu cầu này không được thực hiện thì cơ quan này sẽ đặt ra vấn đề "cấm cửa" Facebook.
Kể từ ngày 14/4, Roskomnadzor đã chặn khoảng 18,5 triệu địa chỉ IP, 18 mạng phụ (sub-network) thuộc các công ty Amazon và Google để thực hiện lệnh cấm đối với ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram. Nguyên nhân vì Telegram đã không thực hiện yêu cầu của Cơ quan An ninh liên bang (FSB) về quyền thâm nhập các mã khóa để kiểm tra các nội dung tin nhắn và các tài khoản bị nghi ngờ phổ biến thông tin cực đoan và khủng bố.
Roskomnadzor yêu cầu Telegram phải được gỡ bỏ khỏi các dịch vụ App Store và Google Play, còn các công ty Mỹ phải thực hiện yêu cầu kỹ thuật sao cho ứng dụng tin nhắn này không thể được tiếp cận trên lãnh thổ Nga. Bên cạnh đó, ông Zharov khẳng định Roskomnadzor không có mục đích phong tỏa Internet, mà quan tâm đến việc giảm thiểu thiệt hại đối với người sử dụng.
Theo ông Zharov, hiện trên thế giới có hai cách tiếp cận của cơ quan quản lý với Internet. Thứ nhất là phong tỏa các nội dung cấm, như Nga và Trung Quốc đang thực hiện. Cách thứ hai được áp dụng ở Mỹ và châu Âu là phạt người sử dụng.
Theo Luật về dữ liệu cá nhân tại Nga có hiệu lực từ ngày 1/9/2015 và áp dụng cho các công ty Nga cũng như nước ngoài, các dữ liệu cá nhân của công dân Nga phải được lưu giữ trên lãnh thổ LB Nga. Các trang web vi phạm luật được Roskomnadzor tập hợp thành một danh mục và sẽ bị phong tỏa nếu không khắc phục được vi phạm. Luật cũng quy định Roskomnadzor sẽ tiến hành kiểm tra các công ty, trong trường hợp phát hiện vi phạm sẽ cảnh cáo, và các công ty có thời hạn nửa năm để sửa chữa.