Trong các tuyên bố riêng rẽ, hai công ty cho biết họ đã xác định và đình chỉ tổng cộng hơn 3.500 tài khoản sử dụng danh tính giả và các hành vi lừa dối khác để truyền bá các nội dung sai sự thật. Mục tiêu của các mạng lưới này là người dùng ở nhiều quốc gia, như Mỹ, Azerbaijan, Nigeria và Nhật Bản. Đối với một số trường hợp, Facebook và Twitter đã hợp tác cơ quan thực thi luật pháp Mỹ để theo dõi và ngăn chặn các chiến dịch tác động đến cử tri Mỹ.
Ngoài ra, Facebook còn cấm công ty quảng cáo Rally Forge, vốn có hợp tác với tổ chức Turning Point USA và Nhóm Inclusive Conservation. Trước đó, báo Washington Post đưa tin Turning Point USA đứng sau chiến dịch phát tán các thông tin "rác" khi đăng khoảng 4.500 đoạn tweet chứa nội dung giống hệt nhau.
Người đứng đầu chính sách an ninh mạng của Facebook Nathaniel Gleicher nhấn mạnh các chiến dịch lừa dối này đã gây ra các vấn đề phức tạp khi làm lu mờ ranh giới giữa tranh luận lành mạnh và hành vi thao túng dư luận.
Ngày 23/9 vừa qua, Facebook thông báo đã loại bỏ một mạng lưới các tài khoản giả mạo, trong đó có các tài khoản từ Trung Quốc, có hành vi can thiệp vào tình hình chính trị khu vực châu Á và Mỹ. Theo đó, công ty cho biết đã gỡ bỏ 155 tài khoản, 11 trang, 9 nhóm trên mạng xã hội Facebook cùng với 6 tài khoản trên Instagram vì vi phạm chính sách chống hành vi can thiệp của nước ngoài trong các âm mưu lừa đảo.
Các tài khoản và các trang thông tin được theo dõi nhiều nhất tập trung ở Philippines với hơn 100.000 người theo dõi. Trong khi đó, các tài khoản của Mỹ có lượng người theo dõi ít hơn, chưa tới 3.000 người, và đăng nội dung kích động phe Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới. Facebook khẳng định chiến dịch này được thực hiện trong khuôn khổ cuộc chiến chống "các hành vi giả mạo có phối hợp".