Trong một tuyên bố ra ngày 26/9, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong số các quy tắc hoạt động có việc xem xét kỹ lưỡng quảng cáo trên các tài khoản và website, cũng như việc hợp tác với lực lượng kiểm soát thông tin nhằm loại bỏ thông tin giả. Theo Ủy viên EU phụ trách kỹ thuật số Mariya Gabriel, các trang mạng Facebook, Google, Twitter, Mozilla và một số công ty quảng cáo mà bà không nêu tên đã cam kết tiến hành một loạt hành động, từ minh bạch các quảng cáo chính trị đến đóng cửa các tài khoản giả mạo, không chi trả cho các trang phát tán tin giả, phân loại các quảng cáo từ khâu biên tập.
Tuy nhiên, một nhóm cố vấn truyền thông đã chỉ trích các công ty này, trong đó có Twitter, về việc không đưa ra được biện pháp cụ thể hơn nhằm giám sát việc thực thi.
Theo kế hoạch, bầu cử nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 5/2019, trong khi một loạt nước gồm Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Ukraine cũng dự kiến tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2019. Do đó, giới chức châu Âu đang rất "đau đầu" về việc làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ can thiệp bầu cử sau khi có những cáo buộc liên quan đến việc can thiệp bầu cử tổng thống tại Mỹ và cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit.
Đầu năm 2018, EC đã đề nghị các công ty công nghệ, trong đó có Facebook và Google cũng như các công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, soạn thảo các quy tắc hoạt động hoặc phải đối mặt với vấn đề pháp lý nếu không thể dỡ bỏ các nội dung sai lệch hoặc trái pháp luật.