Dồn dập các vụ kiện chống bán phá giá ngành gỗ
Ngành gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm sản trong cả nước lên trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, ngành gỗ liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ, từ Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.
Đưa ra con số tổng quan về việc đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại của hàng Việt xuất khẩu, ông Phùng Gia Đức - Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nêu rõ: Đến nay, Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng 199 vụ. Trong 5 năm gần đây có tới 97 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2020, Việt Nam đang bị điều tra tổng cộng 37 vụ việc.
Đáng chú ý, nếu như trước kia ít các vụ việc liên quan tới sản phẩm gỗ thì từ năm 2019 đến nay việc bị điều tra lại diễn ra khá dồn dập. Năm 2020, Việt Nam liên tiếp bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng gỗ ván MDF và Mỹ điều tra chống lẩn tránh thuế với gỗ dán.
Chia sẻ về những nỗ lực tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ: Đánh giá của Chính phủ cho thấy, ngành gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông, lâm sản trong cả nước lên trong thời gian vừa qua. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, ngành liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.
“Đáng chú ý, gỗ dán không phải là mặt hàng duy nhất. Hiện còn một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ lớn trong tương lai. Gần đây nhất, Cơ quan Đại diện Thương mại của Mỹ đã cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ. Nguy cơ Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt này gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn." - ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Nghị định 102/2020/NĐ-CP về Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam được ban hành ngày 1/9/2020 và chính thức có hiệu lực vào ngày 30/10/2020. Kiểm soát gỗ nguyên liệu nhập khẩu là một trong những nội dung trọng tâm của Nghị định, theo đó “Gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro”.
Xây dựng cơ chế giám sát sử dụng nguyên liệu gỗ từ chính doanh nghiệp
Từ góc độ cơ quan Hải quan, bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng Xuất xứ và Sở hữu trí tuệ (Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan) cho biết, liên quan đến chống gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng gỗ, ngành hải quan đã tăng cường công tác thu thập thông tin, thiết lập tiêu chí, đưa vào nhóm đối tượng có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát phù hợp.
Xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu gỗ qua biên giới, vận chuyển gỗ không có nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp trong phạm vi hoạt động của hải quan, đặc biệt là các loại gỗ tròn.
Cũng theo bà Hoàng Thị Thủy, thách thức đặt ra hiện tại là hình thức gian lận ngày càng tinh vi và quy mô ngày càng rộng; văn bản quy phạm pháp quy còn chưa điều chỉnh hết các trường hợp phát sinh trên thực tế; chế tài xử phạt còn chưa mang tính răn đe; nhận thức của một số doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế dẫn tới tiếp tay cho thương mại bất hợp pháp.
Từ phía Cục Phòng vệ thương mại, ông Phùng Gia Đức chỉ rõ: Để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, các doanh nghiệp cần có kiến thức về phòng vệ thương mại, vì đây là "cuộc chơi" mà doanh nghiệp buộc phải tham gia. Doanh nghiệp phải hiểu đúng bản chất của công cụ này để có ứng phó phù hợp. Khi xuất khẩu sang thị trường nào đó, phải có nguồn thông tin từ các đối tác nhập khẩu ở chính thị trường đó. Theo đó, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp.
Như vậy, cơ chế phòng ngừavới hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong xuất, nhập khẩu là đã có. Việc tuân thủ, theo dõi thông tin và minh bạch nguồn hàng rất cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp trong ngành gỗ. Trong tương lai, các chuyên gia khuyến nghị, cần xây dựng kênh kết nối thông tin giữa Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam với cơ quan quản lý nhà nước liên quan nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ chuyển tải bất hợp pháp để từ đó các cơ quan hữu quan sớm có kế hoạch áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời.