Ngành dệt may được đánh giá là có nhiều tiềm năng khi các hiệp định mà Chính phủ đang đàm phán được ký kết. Vấn đề đặt ra đối với ngành này là phải xây dựng kế hoạch phát triển ổn định và bền vững để đón đầu cơ hội mà các hiệp định này mang lại.
Vượt thách thức
Trong tương lai, sẽ có nhiều cơ hội mở ra đối với dệt may khi Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, Liên minh thuế quan Việt Nam - Nga, Belarus, Kazakhstan, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Vị thế hàng may mặc của Việt Nam sẽ được nâng lên, bởi TPP sẽ loại bỏ từ 90% trở lên các rào cản thương mại đối với hàng dệt may của đối tác trong hiệp định, đưa ra lộ trình giảm thuế suất các mặt hàng về 0%.
Một cơ sở dệt may xuất khẩu sang thị trường EU tại Hải Dương. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, bên cạnh những cơ hội mà TPP mang lại, ngành dệt may vẫn phải đối mặt với những thách thức do phải đáp ứng các điều kiện của hiệp định này. TPP đề xuất áp dụng công thức “từ sợi trở đi” nghĩa là các khâu kéo sợi, dệt, nhuộm, may phải được làm tại Việt Nam và các nước thành viên TPP. Trong khi đó, hiện phần lớn hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức CMT (cắt - ráp - hoàn thiện), với 86% nguyên phụ liệu (chủ yếu là vải) phải nhập khẩu từ nước ngoài, mà phần lớn các nước này nằm ngoài TPP. Vải là nguồn nguyên liệu quan trọng đối với ngành dệt may nhưng ở nước ta khâu dệt vải còn yếu. Nếu chủ động được nguồn vải thì các doanh nghiệp (DN) may sẽ đi lên hình thức cao hơn so với gia công, tạo tiền đề thúc đẩy ngành thiết kế phát triển, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Theo ông Lê Trung Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thách thức mà các DN Việt Nam gặp phải đó là sự phát triển chưa đồng đều ở các khâu của quy trình sản xuất đặc biệt là khâu dệt, nhuộm còn thiếu và yếu trong khi may phát triển khá tốt. Quy mô của các DN trong nước còn nhỏ, mà để tham gia vào các khâu liên quan đến dệt, nhuộm, kéo sợi... đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, các DN vẫn còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự quản trị. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động chưa cao, tăng chi phí sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của DN dệt may.
Trước những thách thức trên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, giải pháp để phát triển ổn định khi Việt Nam tham gia TPP là phải liên kết vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đầu tư vào khâu dệt - nhuộm - hoàn tất, gia tăng giá trị bằng cách giảm gia công, tiếp tục mở rộng thị trường và phát triển ngành công nghệ may thời trang. Dù có hay không có TPP, ngành dệt may cũng cần xây dựng một chiến lược vững chắc hơn trong công nghệ sản xuất vải vì đây là “xương sống” của ngành.
Đầu tư cho ngành nguyên liệu
Theo Hiệp hội, ngành dệt may có vị trí quan trọng trong nền kinh tế với doanh thu 23 tỷ USD năm 2013 (đóng góp hơn 8% cho GDP), trong đó xuất khẩu chiếm 20 tỷ USD (17% tổng kim ngạch xuất khẩu). Để đạt được kim ngạch xuất khẩu này, ngành dệt may đã sử dụng 6,9 tỷ m2 vải, trong số đó đến 6 tỷ m2 được nhập khẩu từ nước ngoài. Chính điều này đã khiến giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may ở mức thấp.
FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) hay ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng) là những phương thức sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao, nhưng đây lại là điểm yếu nhất của ngành may mặc nước nhà. Thời gian qua, một số DN đã cố gắng giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ làm hàng gia công xuất khẩu để chuyển sang phương thức FOB, thậm chí mạnh dạn làm đơn hàng ODM. Ngành dệt may cũng đặt mục tiêu đến 2015 tăng tỷ lệ FOB từ % lên 50% và ODM đang dưới 5% lên 10%.
Theo ông Lê Trung Hải, để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự gắn kết giữa doanh nghiệp dệt may với doanh nghiệp sản xuất cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Việc thúc đẩy đầu tư nguyên liệu và phụ liệu dệt may giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, giảm nhập siêu. Dự kiến ngành dệt may sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 60% vào năm 2015 và 70% vào các năm tiếp theo. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đầu tư sâu vào kỹ thuật, thiết bị công nghệ mới với tiêu chí năng suất cao, chất lượng tốt.
Việt Âu