Ông Hoàng Xuân Hải, Giám đốc Công ty VAG (thương hiệu khăn POEMY):
Kể từ khi Chính phủ có những cải cách về thủ tục đầu tư, cắt bỏ điều kiện kinh doanh để gỡ khó cho DN, tôi cảm thấy môi trường kinh doanh đã thông thoáng hơn rất nhiều.
Khi DN có việc cần làm thủ tục với cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm thì được hỗ trợ tích cực, nhân viên không còn thái độ gây khó dễ. Đặc biệt, nhiều thủ tục hiện giờ có thể làm trực tuyến, nên tiết kiệm được thời gian cho DN.
Triển vọng kinh doanh của công ty từ nay đến cuối năm rất tốt. Công ty vừa đưa được hàng vào hệ thống cửa hàng ROBINS tại TP Hồ Chí Minh, sắp tới là Hà Nội. DN cũng đang hoàn thiện hồ sơ để cung cấp hàng cho các đối tác Thái Lan, Nhật Bản.
Hy vọng, các hoạt động hỗ trợ DN được kéo dài bởi, giúp các DN nhỏ quảng bá, marketing, kết nối trực tiếp với khách hàng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời (chuyên sản xuất, kinh doanh gạo):
Chính phủ rất kịp thời ban hành Nghị định mới thông thoáng hơn cho DN xuất khẩu gạo, để DN có thể phát huy thế mạnh và tiềm năng của mình, đồng thời có điều kiện vươn ra thế giới, tiếp cận thông tin để điều chỉnh sản xuất. Do thị trường là tín hiệu, nên Chính phủ đã giải quyết kịp thời và đúng lúc.
Thủ tướng đi nước ngoài cũng xúc tiến thương mại, trong nước thì đi xuống DN để kiểm tra, lắng nghe tình hình để tháo gỡ khó khăn, khi cần thì giới thiệu với công chúng, người tiêu dùng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh là cả một lộ trình, không thể một lúc ngay được. Các Bộ cũng có nhiệm vụ quản lý, nếu không khi xảy ra sự cố thì họ phải chịu trách nhiệm. Cho nên có xu thế các Bộ ra nhiều điều kiện để quản lý.
Nhìn vào những việc Bộ Công Thương đã làm thì đó là tín hiệu mừng. DN cần cùng Chính phủ phát hiện, loại bỏ những điều kiện không có lợi cho quản lý, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các DN hiện nay khởi sắc vì môi trường kinh doanh ngày càng lành mạnh, minh bạch hơn. Đảng và Chính phủ đã quyết tâm chống tham nhũng. Cả hệ thống chính trị đã triển khai hàng loạt nghị định thông thoáng. Đó là điều kiện cần để phát huy nội lực DN trong nước, vận động thu hút nguồn đầu tư nước ngoài để cùng đạt mục tiêu tiêu thụ sản phẩm với mức giá hợp lý.
Bà Nguyễn Sang, Giám đốc Công ty SenseAsia (chuỗi cà phê Mr Việt):
Các sản phẩm của SenseAsia như trà, cà phê, các loại hạt khô... đã được xuất khẩu sang Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Đặc biệt, sản phẩm của công ty được du khách nước ngoài yêu thích, mua về làm quà.
Hàng hóa công ty tiêu thụ nhanh, được nhiều siêu thị trong và ngoài nước trưng bày, bán hàng.
Công ty mong muốn các thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước ngày càng rõ ràng, minh bạch và ổn định, nhất là quy định về công bố chất lượng vệ sinh thực phẩm. Thực tế, DN gặp không ít khó khăn, khi cơ quan quản lý quy định lúc thì phải công bố chất lượng sản phẩm trên bao bì, lúc lại không cần. Mỗi lần thay đổi như vậy, DN phải làm lại hồ sơ rất phức tạp, tốn thời gian.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, đại diện cho các DN bán lẻ Việt Nam:
Sự chủ động của DN là cần thiết, nhưng các DN bán lẻ Việt Nam vẫn mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để phát triển bán lẻ như được ưu đãi thuế, mặt bằng, đất đai hay đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường.
Có nhiều chính sách để hỗ trợ DN trong nước mà không hề trái với các cam kết WTO và các FTA thế hệ mới. Đầu tiên là Nhà nước có thể hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các DN bán lẻ đang trong tình trạng: Gần như toàn bộ nhân viên tuyển vào đều phải đào tạo lại, mất thời gian và tốn kém.
Nhà nước cũng cần hỗ trợ về thông tin, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu cho các DN bán lẻ Việt Nam, kết nối giữa các nhà bán lẻ với người sản xuất và người tiêu dùng...