Trước vấn đề này, VDA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản hồi tờ trình 979 ngày 4/10 của Bộ Y tế về việc duy trì giới hạn cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, trong đó có đoạn “bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với hóa chất khác” . Đại diện VDA cho rằng: Tờ trình của Bộ Y tế không đúng với bản chất sản phẩm, đi ngược lại các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật có tính pháp lý do chính Bộ Y tế ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Văn bản của VDA trình Thủ tướng Chính phủ. |
“Việc Bộ Y tế gọi các acid amin, vitamin và chất khoáng được bổ sung theo quy định của chính Bộ Y tế là các 'hoá chất' dẫn đến những hiểu biết sai lệch về bản chất của sản phẩm dinh dưỡng công thức. Điều này gây hoang mang cho người dùng, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất kinh doanh của các hộ chăn nuôi bò sữa cũng như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sữa tại Việt Nam.
Theo VDA, trước đây, khi xây dựng Nghị định 100/2014/NĐ-CP về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, Bộ Y tế đã trình lên Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội những báo cáo mâu thuẫn với các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật có tính pháp lý của chính Bộ Y tế, theo đó, quy định Sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi cũng thuộc loại sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ.
Trong khi đó, Bộ Y tế đã có Thông tư số 20/2012/TT-BYT ngày 15/11/ 2012 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi (QCVN 11-1:2012/BYT), theo đó, chỉ có sản phẩm này mới “có thể được sử dụng như là nguồn thức ăn thay thế sữa mẹ”. Đồng thời, tại Quyết định số 189/QĐ-BYT ngày 17/01/2013 của Bộ Y tế ban hành “10 Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020”, trong đó Lời khuyên số 9 khuyên rằng: “Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi”.
Trong quá trình xây dựng Nghị định 100/2014/NĐ-CP trước đây, cũng như hiện nay, Bộ Y tế luôn viện dẫn các văn bản khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, Điều 3 của Bộ Quy tắc Quốc tế về Tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ do WHO ban hành năm 1981 đã nêu rõ: “Sản phẩm thay thế sữa mẹ là bất kỳ thức ăn nào được tiếp thị hay giới thiệu như một sản phẩm thay thế một phần hay hoàn toàn cho sữa mẹ, cho dù có thích hợp với mục đích đó hay không”.
Theo các tài liệu của WHO, sữa mẹ chỉ cung cấp đủ 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu sau khi sinh. Các giai đoạn từ 6 tháng tuổi trở lên trẻ phải ăn bổ sung trong đó có việc sử dụng các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ. Cùng với sự phát triển của khoa học dinh dưỡng, các doanh nghiệp sản xuất sữa trên thế giới cũng như Việt Nam đã sản xuất ra các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có các thành phần năng lượng, vitamin, chất khoáng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ giúp cho trẻ phát triển toàn diện. Những sản phẩm này đã được Bộ Y tế ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quản lý sản phẩm trên thị trường Việt Nam (bao gồm từ chất lượng, tính an toàn, nhãn và quảng cáo sản phẩm...).
Bên cạnh đó, tại Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt có lời khuyên sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa hàng ngày để giúp có sức khỏe tốt. Đây là những căn cứ pháp lý và chủ trương cơ bản để Nhà nước ủng hộ việc phát triển ngành sữa Việt Nam.