Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu điều Việt Hà (Tổng công ty Thương mại Hà Nội - HAPRO). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Tuy nhiên, dự kiến đến hết năm 2017, Sở Công Thương mới thực hiện 27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để giải quyết 83/132 thủ tục hành chính, đạt xấp xỉ 63%.
Thủ tục cấp phép cần đơn giản hóa hơn nữa Đại diện doanh nghiệp dệt may Hà Nội cho biết, việc Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, đồng thời sửa đổi quy định về khai báo hóa chất tại Thông tư 40 cũng là những nỗ lực cải thiện thị trường của ngành công thương trong năm qua.
Việc cải cách hành chính ở các ngành như công thương, tài chính, thuế, hải quan… đã giúp thời gian thực hiện các dịch vụ công được rút ngắn. Đối với doanh nghiệp dệt may, thời gian giao hàng có thể coi là cốt lõi của cạnh tranh. Nếu Việt Nam tiếp tục theo hướng cải cách hành chính mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận tiện hơn, giảm chi phí sẽ là sự hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đồng quan điểm với doanh nghiệp dệt may Hà Nội, một đại diện của một công ty điện tử cũng cho rằng, việc mở rộng nhà xưởng của công ty trong giai đoạn 2014-2016 có sự đóng góp quan trọng từ hỗ trợ của ngành công thương trong việc đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, đàm phán, ký kết các hiệp định giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục thực thi tốt các chính sách để các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao mang thương hiệu Việt Nam có đủ năng lực cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Để sớm đạt được công nhận thể chế kinh tế thị trường, các thủ tục liên quan đến thủ tục hành chính trong quá trình cấp phép cần được đơn giản hóa hơn nữa. Việc Bộ Công Thương đã áp dụng Hệ thống chứng nhận điện tử Eco có thể coi là một ví dụ điển hình và mong rằng hệ thống chứng nhận này có thể được nhân rộng ra tới nhiều Bộ, ban, ngành khác của Việt Nam.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát lại quy trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001-2008; đẩy mạnh ứng dụng dịch công mức 3, 4 đối với thủ tục hành chính… Đồng thời, Sở sẽ phối hợp các quận, huyện triển khai thủ tục hành chính cấp huyện; tạo mọi điều kiện cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch; đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Nhiều giải pháp được thực hiện Công tác cải cách hành chính là lĩnh vực luôn được Sở Công Thương Hà Nội đặc biệt chú trọng. Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã rà soát 65/132 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; công bố công khai bằng bản giấy và màn hình điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Bên cạnh đó, công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở và phối hợp chặt chẽ với Cổng Giao tiếp điện tử thành phố để công bố 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã tổ chức thực hiện 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 do UBND Thành phố triển khai song song với 4 dịch vụ công trực tuyến Sở triển khai những năm trước đây. Cùng với đó, rà soát và lựa chọn đề xuất 24 lĩnh vực thủ tục hành chính thuộc cấp Sở và 2 lĩnh vực thủ tục hành chính cấp huyện thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, gửi Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo thành phố. Đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị thực hiện điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về phục vụ của Sở trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.
Về việc thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở được thành phố giao rà soát, đơn giản hóa thuộc nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực dầu khí, công nghiệp tiêu dùng và lưu thông hàng hóa trong nước đã được rút ngắn từ 25 - 40% số thời gian thực hiện. 100% các hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện đúng thời gian đã công bố.
Đối với các hồ sơ chưa đầy đủ nội dung đều có thông báo để tổ chức, cá nhân thực hiện việc bổ sung nội dung theo quy định. Các thủ tục hành chính liên thông được giao nhiệm vụ phối hợp đã được các phòng chức năng của Sở thực hiện đúng thời gian theo yêu cầu của cơ quan đầu mối. Hiện, chưa có trường hợp hồ sơ liên thông chậm làm ảnh hưởng đến việc giải quyết của cơ quan đầu mối. Sở cũng đã rà soát rút ngắn thời gian 1 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực điện lực từ 10 ngày xuống 5 ngày…
Song song với cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính, Sở Công Thương Hà Nội còn tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh an toàn thực phẩm; kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công trên địa bàn. Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi, giảm các khâu trung gian, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bình ổn thị trường; thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu…
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội còn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội tìm kiếm nguồn hàng, liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố...