Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Tại buổi tiếp ngài Jens Ruebbert - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Những năm gần đây, Liên minh châu Âu và các doanh nghiệp châu Âu là đối tác trọng tâm để Hà Nội có quan hệ hợp tác trong xúc tiến đầu tư, mua bán công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Hà Nội đang hợp tác với các nước châu Âu như Hà Lan, Đức và một số nước khác trong phát triển nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường, tiết kiệm điện, sử dụng nguồn năng lượng xanh, phát triển y tế, xây dựng đô thị, giao thông. Hà Nội rất coi trọng kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn của châu Âu đầu tư vào Hà Nội.
Trong vòng 5 năm tới, một trong những mục tiêu mà Hà Nội ưu tiên phát triển là hạ tầng giao thông, vì vậy, thành phố mong muốn tăng cường xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp châu Âu trong vấn đề giải quyết môi trường, kết nối hạ tầng giao thông đô thị.
Thông tin về quá trình xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội mong muốn tiếp tục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi công nghệ với các doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực này, đồng thời khẳng định thành phố sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư từ châu Âu đầu tư vào Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, hiện nay các thủ tục dành cho các nhà đầu tư tại Hà Nội đã được tinh giản rất nhiều, chỉ còn 12 đến 15 ngày. Cách tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp ngày càng công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Hà Nội.
Chủ tịch Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông Vincent Lo phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
*Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có buổi tiếp ngài Vicent Lo, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông - Trung Quốc cùng phái đoàn sang thăm làm việc tại Hà Nội.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hồng Kông - Trung Quốc vào đầu tư; đồng thời luôn coi Hồng Kông là cánh cửa để giúp nối Việt Nam với các nước trên thế giới cũng như với Trung Hoa Đại lục.
Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, Hà Nội xác định ba khâu đột phá, trong đó có lĩnh vực giao thông với 113 dự án mà Hà Nội sẽ phát triển trong thời gian tới. Hiện 8 tuyến Metro còn lại trên địa bàn thành phố cần xây dựng, Hà Nội muốn kêu gọi các nhà đầu tư trong đó có Hồng Kông đầu tư vào lĩnh vực này.
Cùng với đó, Hà Nội cũng kêu gọi các nhà đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng các khu đô thị vệ tinh, xây dựng hệ thống đê điều, xử lý nước thải, quan trắc môi trường, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xử lý nước thải làng nghề, xây dựng và kết nối đường vành đai 4,5 và đường kết nối với các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, thành phố Hải Phòng.
Hà Nội mong muốn được tham gia chuỗi cung ứng nhằm cung cấp nguồn hàng cho thị trường thế giới; đồng thời thu hút lượng khách du lịch từ Hồng Kông, Trung Quốc đến Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống bán lẻ của Việt Nam còn yếu và thiếu, mong muốn được các nhà đầu tư quan tâm. Trong lĩnh vực quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo nhân lực lãnh đạo quản lý, Hà Nội mong muốn tiếp tục duy trì và hợp tác tốt với Trung Quốc nói chung và Hồng Kông nói riêng về vấn đề này.