Đây là khuyến nghị của các chuyên gia tại Hội nghị mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thích ứng rào cản thương mại trong tình hình mới do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 14/10.
Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó giám đốc phụ trách CIIS cho biết: Hơn 2 năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, giúp Việt Nam sớm phục hồi và phát triển kinh tế do tác động của dịch COVID-19 và những biến động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với việc mở cửa thị trường hàng hóa, xóa bỏ thuế quan trong các FTA, các quốc gia nhập khẩu ngày càng có xu hướng gia tăng sử dụng các rào cản phi thuế quan như là công cụ hợp pháp để bảo vệ thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của lạm phát cao thời gian gần đây, người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU…có xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm các hàng hoá không thiết yếu khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, sử dụng các công cụ phân tích thị trường để nhận diện rõ các xu hướng của các thị trường, ngành hàng, các quy định về xuất nhập khẩu, yêu cầu về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) là rất cần thiết. Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang thực thi để mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết bài toán biến động chuỗi cung ứng đầu vào lẫn đầu ra.
Ông Lê Viết Dũng Linh, chuyên gia nghiên cứu thị trường Trung tâm Thương mại quốc tế (ICT) tại Việt Nam phân tích, các công cụ thương mại quốc tế là cầu nối giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn dữ liệu quan trọng về nhu cầu, xu hướng, tiêu chuẩn của thị trường toàn cầu và từng khu vực, quốc gia. Thông thường các mạng lưới cung cấp dữ liệu có tính phí nhưng cũng có những đơn vị ưu tiên cung cấp dữ liệu miễn phí cho một số quốc gia. Đây là nguồn tài nguyên “sẵn có” nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết khai thác hiệu quả.
Theo ông Lê Viết Dũng Linh, ICT hiện đang cung cấp dữ liệu miễn phí cho các tài khoản tại Việt Nam. Doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống công cụ nghiên cứu thị trường của ITC để phân tích các cơ hội về xuất nhập khẩu hàng hóa vào các thị trường trong quá trình giao thương quốc tế. Cụ thể, doanh nghiệp có thể tìm hiểu được quy mô thị trường hàng hóa thế giới của từng sản phẩm, tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm doanh nghiệp quan tâm, nhận diện các xu hướng thị trường, cũng như những sản phẩm mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang từng quốc gia.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể theo dõi và cập nhật các tiêu chuẩn về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, các rào cản kỹ thuật trong thương mại tại từng thị trường; sử dụng hệ thống cảnh báo thương mại toàn cầu (ePing) giúp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời theo dõi và tuân thủ các yêu cầu liên quan tiếp cận thị trường.
Các chuyên gia cũng cho rằng, công cụ và dữ liệu phụ vụ hoạt động thương mại không thiếu, vấn đề là các doanh nghiệp cần đánh giá đúng lợi ích của việc sử dụng các công cụ, dữ liệu để có cách tiếp cận, khai thác phù hợp, phục vụ hiệu quả cho nhu cầu phát triển thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.